Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu

10/10/2019 14:57 Tác động môi trường
Để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, thì khung chính sách ứng phó với BĐKH cần phải được bổ sung, hoàn thiện hơn.
Tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, BĐKH diễn biến ngày càng khó lường. Các hiện tượng như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở biển, nước biển dâng thường xuyên xảy ra với cường độ mạnh hơn đã tác động ngày càng nghiêm trọng đến tất cả các mặt đời sống, kinh tế, xã hội; đặc biệt là tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc ứng phó với BĐKH thời gian qua đã được lồng ghép vào chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước và đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, với 24 khoản trong 10 điều của Chương 4. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, khung chính sách ứng phó với BĐKH cần được bổ sung, hoàn thiện hơn để giải quyết được những thách thức của BĐKH, tạo tính liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH, tận dụng những lợi thế, cơ hội BĐKH có thể mang lại cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vừa qua, đã nêu thực trạng BĐKH ở Việt Nam nói chung, ở ĐBSCL nói riêng. Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận các vấn đề về bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế trong chính sách ứng phó với BĐKH; giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon thế giới; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết vùng... trong ứng phó với BĐKH.

hoan thien chinh sach phap luat ung pho voi bien doi khi hau

Hình ảnh tại hội thảo.

Các đại biểu nhất trí cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với BĐKH cần được tiếp tục hoàn thiện thông qua quy định cụ thể một số lĩnh vực, khu vực còn mang tính tự phát. Các quy định về BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường mới tập trung vào khía cạnh thách thức mà chưa thể hiện được cơ hội mà BĐKH mang lại.

Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; phát triển thủy lợi, nâng cao khả năng tưới, tiêu nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, úng ngập nặng, nhất là ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Chính phủ nâng cao hoạt động của Ủy ban quốc gia về BĐKH; sớm xây dựng và ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng theo Luật Quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành, thí điểm hình thành tổ chức vùng và luật hóa vấn đề liên kết vùng.

Khi xây dựng chính sách, hệ thống văn bản Nhà nước, nên tích hợp ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để tạo ra các giá trị gia tăng; phải tính đến sự hội tụ, cản trở thực hiện mục tiêu riêng và mục tiêu tổng hợp của ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các ý kiến đề xuất của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia về một số vấn đề sửa đổi, bổ sung nội dung về BĐKH trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, xem xét trình sửa đổi trong thời gian tới.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động