Hưng Yên: Sẽ công khai danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Để cụ thể hóa các nội dung trong việc thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng môi trường không khí, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngày 29/8, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành kế hoạch số 134/KH-UBND về việc quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa ban tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
Tăng cường công tác giám sát chất lượng môi trường không khí thông qua nhiệm vụ quan trắc môi trường và các trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh để cập nhật, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng môi trường không khí đến cộng đồng.
100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Tăng cường phát triển mạng lưới giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; khuyến khích phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường.
Loại bỏ và nghiêm cấm 100% các phương tiện xe cơ giới không đủ điều kiện tham gia giao thông.
100% các phương tiện vận tải chở vật liệu xây dựng và hàng hóa phải có biện pháp che chắn đảm bảo quy định về vệ dinh môi trường khi lưu thông.
Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải.
Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.
Ô nhiễm bụi từ quá trình thi công các công trình giao thông đường bộ gây ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề cấp thiết cần được kiểm soát. |
Tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Tăng cường kiểm tra, giám sát online thông qua hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động liên tục tại các doanh nghiệp xả thải lớn. Duy trì thực hiện Kế hoạch hàng năm lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh;
Tiếp tục thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhaanjc ác dự án phát sinh nhiều chất thải, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao;
Thẩm định chặt chẽ hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ cấp Giấy phép môi trường trong đó yêu cầu các cơ sở phát sinh khí thải, bụi thải phải thực hiện nghiêm việc đầu tư công trình, lắp đặt, vận hành thiết bị công nghệ xử lý đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí bụi thải tự động, liên tục theo quy định.
Khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy đốt rác...cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí. |
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư xây dựng, lắp đặt và vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí, bụi thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn, có nguy cơ cháy nổ cao. Công khai danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin của tỉnh. Thực hiện việc kiểm kê phát thải với các nguồn điểm trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển mạng lưới, phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường…
Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn với duy tu, đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông.
Thực hiện các chương trình, dự án về chuyển đổi nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí từ các phương tiện giao thông vận tải.
Triển khai các giải pháp hạn chế và tiến tới cấm hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm khói, bụi, thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.
Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi tường xung quanh do hoạt động thi công xây dựng các công trình xây dựng, quá trình vận chuyển các vật liệu dời.
Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện đại, xóa bỏ các bãi chôn lấp, đốt rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh…
Hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí.
Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Hưng Yên theo quy định; các Sở Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông…căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị để thực hiện, phối hợp thực hiện Kế hoạch đạt kết quả tốt nhất.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/12 hằng năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định./.