Khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoại đô, cách xa khu dân cư

04/04/2020 11:51 Địa phương
Cử tri Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoại đô, cách xa khu dân cư, ngăn chặn kịp thời các nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội
khan truong di doi cac co so san xuat gay o nhiem moi truong ra ngoai do cach xa khu dan cu
Sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông trong nội đô gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chỉ đạo và chủ trì việc xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp.

Thời gian qua, việc di dời các cơ sở các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã đạt được một số kết quả như sau:

Đã thực hiện di dời được một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tập trung đông người ra ngoài đô thị; tạo nguồn lực tài chính để thực hiện di dời; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích. Đã tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn những hạn chế, bất cập trong việc ban hành danh mục di dời của các địa phương còn rất chậm; việc đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương tại vị trí mới chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khi di dời đến nơi mới trong việc đầu tư xây dựng dự án; chưa thực sự khuyến khích được các cơ sở trong việc thực hiện di dời; chưa có chế tài xử lý đối với việc chậm thực hiện di dời.

Sau sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 322/TB-VPCP ngày 10/9/2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện: rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ; khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Hiện nay, UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện chỉ đạo trên đây của Chính phủ.

Việt Anh
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động