Khánh Hòa lên kế hoạch triển khai 03 dự án môi trường sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương

23/09/2024 08:48 Phát triển Công nghiệp môi trường
Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 4.200 tỷ đồng để triển khai 3 dự án môi trường nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới (WB).

Trước đó, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ nêu nguyên nhân của việc đề xuất dừng sử dụng vốn của Ngân hàng thế giới 3 dự án môi trường là do sự khác biệt giữa các quy định của Việt Nam và WB về đền bù, tái định cư; việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần xin ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị dẫn đến kéo dài thời gian…

Ngày 29-8, UBND tỉnh có văn bản giao Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh chủ trì tổ chức thanh lý hợp đồng tư vấn chuẩn bị dự án, tham mưu báo cáo phương án triển khai các hạng mục của dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đề xuất sử dụng vốn ngân sách địa phương khoảng 4.200 tỷ đồng để triển khai 3 dự án môi trường nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới (WB).

Ngày 19-9, Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (Ban QLDA) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về phương án tiếp tục triển khai các hạng mục thuộc dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (IRDP).

Khánh Hòa sẽ có đường Vành đai 3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Đại Lộ Nguyễn Tất Thành
Khánh Hòa sẽ có đường Vành đai 3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Đại Lộ Nguyễn Tất Thành

Theo đó, Ban QLDA kiến nghị tách các hạng mục của dự án IRDP thành 3 dự án độc lập được triển khai đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư công. Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh để tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án.

Cụ thể, dự án xây dựng đường Vành đai 3 với mục tiêu đầu tư trục đường Vành đai 3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Đại Lộ Nguyễn Tất Thành để phân luồng giao thông phía Tây, phía Tây Nam vào sân bay Cam Ranh hay đi lên đường cao tốc Bắc - Nam thuận lợi mà không qua trung tâm TP Nha Trang, giảm bớt lưu lượng cho các đường số 4, đường Lê Hồng Phong, Vành đai 2.

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển quỹ đất khu vực phía Nam đường Võ Nguyên Giáp, thúc đẩy phát triển hạ tầng khu vực; góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội, là động lực để các dự án lân cận sớm hình thành.

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 có chiều dài toàn tuyến khoảng 6 km; tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 - 2027.

Dự án thứ 2 là dự án xây dựng hệ thống kè sông thoát lũ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực phía Tây thành phố Nha Trang. Dự án nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm tình trạng ngập úng cho vùng phía Tây thành phố Nha Trang và một phần của huyện Diên Khánh do mưa lũ với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông, kênh, kết hợp tạo không gian mặt nước đô thị, tăng cường thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Khánh Hòa sẽ triển khai dự án xây dựng hệ thống kè sông thoát lũ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực phía Tây thành phố Nha Trang khoảng 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nhân
Khánh Hòa sẽ triển khai dự án xây dựng hệ thống kè sông thoát lũ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực phía Tây thành phố Nha Trang khoảng 1.600 tỷ đồng

Đồng thời, từng bước hồi sinh các đoạn sông trong khu vực Tây Nha Trang, kết nối các hệ thống sông chính, làm cơ sở cho các bước tiếp theo là xây dựng các mạng lưới tiêu thoát nước trong đô thị; phân lũ sông Cái về cửa Bé ở phía Nam.

Dự án có các hạng mục gồm xây dựng kè và nạo vét 4 tuyến sông kết nối vào sông Cái, sông Quán Trường và sông Tắc có tổng chiều dài gần 11 km.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực phía tây thành phố Nha Trang với các tuyến truyền tải chính, tổng chiều dài mạng lưới hơn 12,8 km và 3 trạm bơm nước thải trên tuyến tại các vị trí độ sâu chôn cống lớn và 1 trạm bơm nước thải chính trong nhà máy; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2024 - 2028.

Cuối cùng là dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm TP Cam Ranh nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trư­ờng nước thông qua việc phát triển hệ thống thu gom và xử lý n­ước thải trước khi xả ra sông, biển. Nâng cao tỷ lệ đấu nối và số lượng người dân được tiếp cận với hệ thống thoát nước hợp vệ sinh trong khu vực dự án thành phố Cam Ranh.

Tại TP Cam Ranh sẽ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm TP. Ảnh: Trung Nhân.
Tại TP Cam Ranh sẽ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm thành phố

Dự án sẽ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm TP Cam Ranh với các tuyến ống thu gom có tổng chiều dài mạng lưới gần 16,9 km và 3 trạm bơm nước thải trên tuyến tại các vị trí độ sâu chôn cống lớn và 1 trạm bơm nước thải chính trong nhà máy.

Cùng với đó là đầu tư khoảng 35 km cống thu gom nước thải mạng cấp 3 và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỷ đồng; thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2028.

Ngày 24-8, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về đồng ý chủ trương dừng sử dụng vốn vay của WB cho dự án IRDP như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thông báo với phía WB về vấn đề này; UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác thay thế vốn vay của WB và thực hiện thủ tục lập, phê duyệt dự án mới theo quy định để đầu tư xây dựng các hạng mục nói trên.

“Đối với nguồn vốn đầu tư các dự án, Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu có dự trù về phương án vốn trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 làm cơ sở để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đưa các dự án trên vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung các nguồn lực triển khai nhanh chóng, đồng bộ.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động