Kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Hợp tác trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn |
Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010. |
Tại Hội thảo tập huấn kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn kể từ tháng 01 năm 1994. Là một quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromid. Các chất này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, triển khai các hoạt động phối hợp nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC, nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam.
Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt là vai trò của cơ quan hải quan ở Trung ương và Chi cục hải quan tại các cửa khẩu trong việc ngăn chặn, kiểm soát tại cửa khẩu đối với các mặt hàng bị quản lý.
Hội thảo cũng nêu bật được những nỗ lực đấu tranh ngăn chặn vận chuyển trái phép rác thải và kiểm soát các chất ODS/HCFC của lực lượng hải quan, hoạt động điều tra, xử lý của lực lượng cảnh sát môi trường cũng như kết quả đạt được và thách thức trong hoạt động kiểm soát tại các chi cục hải quan cửa khẩu.
Sau hơn 30 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác. |