Lạm phát năm nay có thể kiểm soát ở mức thấp

28/09/2019 15:22 Tăng trưởng xanh
"Bình quân trong 9 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Mục tiêu điều hành lạm phát năm 2019 là 3,5% Lạm phát 2019: Nhiều dư địa để điều chỉnh giá dịch vụ công Tăng trưởng cao, lạm phát trong tầm kiểm soát

Biên độ dao động hẹp

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,79%; 9 tháng năm 2018 bình quân tăng 3,57%.

CPI tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng 8, theo đó tăng 1,98% so với cùng kỳ và tăng 2,2% so với tháng 12/2018; riêng trong quý 3, CPI tăng 2,23% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, nếu không có yếu tố bất thường, khả năng CPI năm nay có thể kiểm soát ở mức thấp, từ 3,3 - 3,5%, thấp hơn kịch bản đề ra trước đó là từ 3,3 - 3,9%.

Lạm phát năm nay có thể kiểm soát ở mức thấp
Ảnh minh họa - Đỗ Phương Anh/TTXVN.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê), nguyên nhân khiến tăng CPI trong tháng 9 là do việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, nhằm tiệm cận với giá thị trường, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và thời tiết mưa lũ kéo dài ở một số địa phương.

"Tuy nhiên việc Ngân hàng Nhà nước – NHNN kiên định mục tiêu kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng, vừa ổn định lạm phát đã giảm 0,25% lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9. Lãi suất điều hành nằm trong thị trường liên ngân hàng sẽ tạo điều kiện các ngân hàng thương mại - NHTM giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cũng đang nới lỏng chính sách tiền tệ" - bà Đỗ Thị Ngọc nói.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất 3,15%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% là mức thấp nhất. Tuy nhiên, chỉ số giá tại nhóm bưu chính viễn thông không đổi và nhóm giao thông giảm 1,24%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%.

Trong tháng này, cả nước có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí (năm học mới 2019 -2020) theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Điều này khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 3,53% và làm tăng CPI chung 0,18%.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến ngày 17/9, tổng số lợn bị tiêu hủy 5 triệu con với trọng lượng khoảng 290.391 tấn. Trên thị trường nguồn cung thịt lợn giảm khiến cho giá thịt lợn tăng 2,78% so với tháng trước đồng thời tác động đến CPI chung tăng 0,12%.

Ngoài ra, tình hình mưa bão và lũ quét diễn biến phức tạp cũng khiến nguồn cung thực phẩm tươi sống bị giảm, chỉ số giá của mặt hàng này đã tăng lên 0,49% và giá rau tươi tăng 1,16% do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều làm ngập úng, giảm sản lượng thu hoạch.

Giá vàng tăng mạnh 3,25%

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, với phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN với 8 đồng tiền chủ chốt, cùng với nguồn cung ngoại hối dồi dào đã hỗ trợ cho tỷ giá USD/VNĐ không biến động mạnh. Tại thị trường tự do, tỷ giá đã giảm 0,11% so với tháng trước và dao động quanh mức 23.262 VND/USD. Trong tháng 9, giá vàng thế giới tăng mạnh do cuộc chiến thương mại và Trung Quốc leo thang, căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông. Theo đó, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/9 đã tăng 0,49% so với tháng 8/2019, kéo theo giá vàng trong nước tăng bình quân 3,25% so với tháng trước và giữa Mỹ dao động quanh mức 4,23 triệu đồng/chỉ loại vàng SJC.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra: Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) bình quân 9 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

"Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%, bình quân 9 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,91% cho thấy, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định" - Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.

Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng từ 6,14% - 17,46%, thấp hơn mức tăng từ 8,6% - 23,7% của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới; giá dịch vụ BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành để dự kiến trong tháng 10 tới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

CPI khả năng thấp hơn năm 2018

Từ nay tới cuối năm, dự báo một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá đã được Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây đề cập: Giá điện tăng trong tháng 3/2019 có thể tiếp tục tác động lên CPI 3 tháng còn lại của năm; giá thịt lợn dự kiến tiếp tục tăng; những rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi…

Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cuối năm như chính sách tiền tệ hiện được điều hành ổn định; dự kiến mặt hàng gạo giá cả không biến động nhiều; dự kiến nguồn cung hàng hóa dồi dào không gây áp lực lên mặt bằng giá cuối năm.

Đại diện Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đặt ra giả thiết, nếu diễn biến CPI quý III tiếp tục tăng thấp hơn dự báo và với phương án CPI bình quân cả năm tăng ở mức 4% theo mục tiêu cho phép thì trong 3 tháng còn lại thì CPI mỗi tháng có thể được tăng ở mức 3,1%. Song, trường hợp này khó xảy ra trong thực tế. Nhóm giúp việc đã thảo luận và báo cáo Ban Chỉ đạo kịch bản với lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 2,73% - 2,81%. Với các kịch bản dự báo cho thấy, CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, cần theo sát diễn biến cung cầu, nhất là một số mặt hàng thiết yếu; chủ động nguồn hàng cuối năm nhất là dịp Tết âm lịch, dương lịch… Bộ Công thương chủ động phân phối nguồn hàng trong điều kiện cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn như hiện nay; có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để cân đối không chỉ chỉ số giá, mà còn cán cân thanh toán, cán cân vốn, cán cân vãng lai.

Phía NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt; phối hợp chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát cơ bản khoảng 1,9%.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động