Lắng nghe thế giới - Chăm sóc thính lực đúng cách

04/03/2024 09:00 Giao thương
Là chủ đề của chương trình chào mừng Ngày chăm sóc thính lực thế giới (3/3), là dịp để cộng đồng người khiếm thính, cha mẹ trẻ khiếm thính cùng nhau giao lưu, chia sẻ cách đồng hành cùng con trong cuộc sống, mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ “đôi tai” của mình và có cách chăm sóc thính lực cho bản thân, gia đình và cộng đồng đúng cách.

Đây là hoạt động do Hội Cha Mẹ trẻ khiếm thính và Người khiến thính Việt Nam cùng Doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính tổ chức, nhằm giúp mọi người có thêm kiến thức để bảo vệ đôi tai của mình, chăm sóc thính lực đúng cách; đồng thời chung tay nâng cao cơ hội sống độc lập và hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thính, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu có khoảng 466 triệu người (chiếm 5% dân số) bị nghe kém, trong đó có 34 triệu trẻ em. Ước tính đến 2050 con số này sẽ tăng lên gấp đôi, có nghĩa khoảng 1 tỉ người bị giảm thính lực, tức cứ 10 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về thính giác, đa số ở các nước thu nhập trung bình và kém. Chi phí tiêu tốn vào giải quyết mất thính lực khoảng 750 tỉ USD Mỹ.

Tại Việt Nam hiện 2,5 triệu người đang bị khiếm thính và giảm khả năng nghe, chiếm gần 1/3 tỷ lệ người khuyết tật cả nước.

Mất thính giác không được điều trị có thể dẫn đến sự cô lập và có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, mất trí nhớ và giảm khả năng vận động. Nguyên nhân gây ra nghe kém và mát thính giác có thể do di truyền, do biến chứng lúc được sinh ra hay do các bệnh nhiễm trùng bất kỳ, do sử dụng thuốc, do tiếp xúc với tiếng ồn và do tuổi tác. 60% số người nghe kém lúc nhỏ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được.

Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Hiện nay ở Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật, trong đó có hơn 800.000 trẻ em khuyết tật với gần 40.000 trẻ em khiếm thính. Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến trẻ em khuyết tật. Sự quan tâm đó được thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật.

Cụ thể, Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1990). Sau 1 năm, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991 và đến năm 2016 sửa đổi thành Luật Trẻ em. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật. Năm 2014, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Chính vì vậy, người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng đã được quan tâm chăm sóc và bảo vệ, cuộc sống của trẻ em khuyết tật đã dần được cải thiện.

Bà Chử Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha Mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam cho biết: Đây không chỉ là dịp để cộng đồng người khiếm thính, cha mẹ trẻ khiếm thính cùng nhau giao lưu, chia sẻ cách đồng hành cùng con trong cuộc sống, mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ “đôi tai” của mình và có cách chăm sóc thính lực cho bản thân, gia đình và cộng đồng đúng cách.

Hướng dẫn trẻ khiếm thính làm các sản phẩm từ vỏ mì tôm

Qua đó, hiểu hơn về những khó khăn và sự nỗ lực của người khiếm thính trong cố gắng rút ngắn khoảng cách khác biệt, cùng nhau nâng cao cơ hội sống độc lập và hoà nhập cộng đồng cho người khiếm thính, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động như: Trình diễn áo dài bởi các bạn khiếm thính, đấu giá tranh gây quỹ Hành trình âm thanh 2024, triển lãm tranh do trẻ khiếm thính vẽ, trải nghiệm làm sản phẩm thủ công từ vỏ mì tôm cùng các bạn khiếm thính, tìm hiểu về chăm sóc thính giác đúng cách…

P.V

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động