Lựa chọn công nghệ năng lượng tái tạo thích hợp với Việt Nam
Khởi công nhà máy mới ở ‘trung tâm quốc gia về năng lượng tái tạo’ Việt Nam đang chứng khiến làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo |
PGS. TS Đặng Đình Thống báo cáo nội dung chính của đề tài. |
Đó là mục tiêu chính của đề tài "Nghiên cứu đề xuất các công nghệ, quy mô và lộ trình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam nhằm đáp ứng cam kết của Chính phủ về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21)" do Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) chủ trì thực hiện.
Tại Hội thảo tham vấn lần thứ nhất tổ chức ngày 9/8, PGS.TS. Đặng Đình Thống - Chủ nhiệm đề tài đã nêu 5 nội dung KHCN chính của nhiệm vụ, gồm: Một là tổng quan về xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững trên thế giới; Hai là đánh giá hiện trạng và dự báo phát thải KNK ở Việt Nam đến năm 2030; Ba là lựa chọn các công nghệ NLTT thích hợp để phát triển ở Việt Nam, nhằm cắt giảm phát thải KNK; Bốn là ước tính công suất và lộ trình phát triển NLTT đến năm 2030 để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP21 về cắt giảm phát thải KNK; Năm là nghiên cứu và kiến nghị các chính sách và giải pháp nhằm thực hiện việc phát triển NLTT theo công suất và lộ trình đã ước tính.
Theo báo cáo, tổng phát thải hoặc hấp thụ KNK năm 2014 là gần 283 triệu tấn CO2td (bao gồm cả lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp), trong đó lĩnh vực năng lượng (NL) chiếm tới 60,4%, tương đương 171,6 triệu tấn CO2td. Trên cơ sở kịch bản phát triển kinh tế trung bình, dự báo tỷ lệ phát thải KNK đối với lĩnh vực NL so với tổng phát thải KNK đến năm 2030 là rất lớn, trên 60% và không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ này là 63,8%; năm 2025 là 68,5% và đến năm 2030 là 72,4%.
Xác định các nguồn và công nghệ NLTT ở Việt Nam hiện nay, gồm 6 nguồn là thủy năng, NL mặt trời (NLMT), NL gió, NL sinh khối, NL địa nhiệt và NL đại dương. Mỗi nguồn có nhiều công nghệ, ví dụ nguồn NLMT có 3 công nghệ: quang điện, nhiệt điện mặt trời, nhiệt mặt trời... Dựa trên 4 tiêu chí: Tiềm năng - Suất đầu tư - Hệ số công suất - Giá điện năng, nhóm tác giả đưa ra thứ tự ưu tiên các công nghệ lựa chọn, như sau:
Công nghệ điện NLTT: Điện mặt trời (PV); thủy điện (N&V); điện sinh khối; điện gió trên bờ; điện gió ngoài khơi.
Công nghệ nhiệt NLTT: Công nghệ nhiệt mặt trời nhiệt độ thấp (hiệu ứng nhà kính): đun nước nóng, sấy nông sản phẩm, dược liệu; gia nhiệt cho các quá trình tiểu thủ công nghiệp.... Công nghệ nhiệt địa nhiệt ở các khu vực có mỏ địa nhiệt: sấy, sưởi; dịch vụ y tế, du lịch...
Cam kết của Việt Nam tại COP21 là cắt giảm 8% phát thải KNK vào năm 2030 trong điều kiện phát triển bình thường. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị lộ trình cắt giảm phát thải KNK năm 2020 là 3%; năm 2025 là 5% và năm 2030 là 8%. Cơ cấu thực hiện cắt giảm phát thải KNK gồm 2 giải pháp là phát triển NLTT và tiết kiệm NL theo hướng tỷ lệ NLTT tăng dần; tỷ lệ TKNL giảm dần. So với các chỉ tiêu đã đưa ra trong Quy hoạch phát triển điện 7 (điều chỉnh), thì các công nghệ điện NLTT cần phải phát triển nhanh hơn.
Đề tài nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia ngành năng lượng. Tại hội thảo, các đại biểu đã có những ý kiến góp ý tâm huyết, xây dựng và có chung nhận định nội dung đề tài có ý nghĩa rất quan trọng, có tính định hướng lớn, được thực hiện công phu, bao trùm nhiều nội dung, logic chặt chẽ.