Môi trường bị thu nhỏ khi qua lăng kính của phát triển kinh tế

29/03/2024 15:59 Nghiên cứu trong nước
Khoa học phát triển, đưa loài người vượt qua nhiều mốc giới của hiểu biết về quy luật tự nhiên, khoa học kỹ thuật, kinh tế… Tuy nhiên, mặt trái của phát triển là sự suy giảm chất lượng môi trường, để lại nhiều hệ lụy cho con người và động thực vật như bệnh tật, cháy rừng, nhiệt độ trái đất nóng lên, sự biến mất của nhiều giống loài… cho thấy kinh tế mạnh lên, chất lượng môi trường sẽ giảm đi. Vì vậy cần một giải pháp song song phát triển cả hai vấn đề này.
Môi trường bị thu nhỏ khi qua lăng kính của phát triển kinh tế
Cháy rừng khiến hiệu ứng nhà kính ngày một tăng.

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, đất - nước - không khí, là những yếu tố có mối liên hệ mật thiết và chi phối trực tiếp đến sự sống trên trái đất. Từ đó, hàng loạt các hoạt động cần thiết nhằm duy trì, bảo vệ và gia tăng chất lượng những nguồn tài nguyên trên, đã được triển khai. Ngày 5/6/1972, hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường và con người được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển với khẩu hiệu “Only One Earth” (Chỉ có một Trái Đất). Và sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và ngày môi trường thế giới 5/6 cũng bắt đầu từ đó.

Song song với tốc độ gia tăng dân số trên bề mặt trái đất, các cuộc cách mạng công nghiệp đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của con người, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên, hay nói cách khác là cuộc sống của con người đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên để tồn tại và phát triển. Trong đó chủ yếu là tài nguyên hữu hạn có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai như nước, tài nguyên hóa thạch, đất hiếm, mỏ kim loại và tiền kim loại… Xuất phát từ nhu cầu đó, việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên, cũng như hành động xả rác thải sinh hoạt ra môi trường thiếu kiểm soát, thiếu giải pháp xử lý, đã để lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường sống của con người và động thực vật trên trái đất.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản phẩm nhựa được sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch hàng năm sẽ vượt 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và rác thải sẽ vượt mức 1 tỷ tấn. Hiện nay, mỗi năm có hơn 460 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới, một nửa trong số đó chỉ để sử dụng một lần và ít hơn 10% được tái chế, có khoảng 19-23 triệu tấn nhựa bị thải ra sông, hồ và biển, trung bình mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ. So sánh số liệu trên cho thấy, trong vòng 4 thập kỷ tới, sản phẩm nhựa được sản xuất sẽ tăng lên hơn 2,5 lần hiện nay.

Xã hội loài người đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự cải cách mạnh mẽ về công nghệ, thiết bị, song hành với tối đa hóa công năng của trí tuệ nhân tạo, mở ra cánh cửa của một kho tàng tiềm năng vô tận cho kỷ nguyên công nghệ số. Tuy nhiên, tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp đều giúp tăng tốc nền kinh tế thế giới, nhưng hàng loạt các vấn đề khác vẫn ì ạch, lê bước theo cỗ xe cũ kĩ chẳng thuộc cuộc cách mạng nào, thậm chí còn thụt lùi như môi trường sống, chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, số lượng và chủng loại thủy hải sản biến mất ngày một nhiều, động thực vật tuyệt chủng ngày càng tăng... cho thấy loài người không chỉ tranh giành nhau về lợi ích (thông qua các cuộc chiến tranh), mà còn cướp đi cuộc sống của nhiều giống loài trên trái đất.

Môi trường bị thu nhỏ khi qua lăng kính của phát triển kinh tế
Tỷ lệ đồi trọc ngày càng gia tăng đã cướp đi sự sống của nhiều động vật...

Đó là mặt trái của sự phát triển không bền vững, phát triển thiếu kiểm soát, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của nhiều quốc gia trên thế giới. Họ cho rằng “lộ trình phát triển phải đi qua những giai đoạn này”, hay “chính sách pháp luật không theo kịp” tốc độ phát triển của nền kinh tế. Từ những ngụy biện đó, đã xuất hiện hàng loạt các tác động tiêu cực với môi trường (tính từ trước cách mạng công nghiệp năm 1750 đến năm 2020) như nguồn nước ô nhiễm ngày càng nhiều, rác thải xuất hiện khắp nơi, nhiệt độ trái đất tăng lên khoảng 1,1oC; lượng khí carbon (CO2) tăng 45%; lượng khí methane (CH4) tăng 160%... đây là những loại khí có tác động tiêu cực tới quá trình tỏa nhiệt của trái đất, hay còn gọi là hiện tượng hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh.

Điều đó cho thấy, việc cải thiện môi trường hiện nay cần điều chỉnh hàng loạt các chỉ số như phân bố dân cư theo vị trí địa lý một cách phù hợp; điều chỉnh tỷ lệ sinh con (năm 1800 dân số thế giới đạt 1 tỷ người – ngày 15/11/2022, con số 8 tỷ người trên trái đất được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc công bố); áp dụng các biện pháp kiểm soát giảm tỷ lệ phát thải rác sinh hoạt; tăng tỷ lệ sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh trong sản xuất; trồng nhiều cây xanh giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất nâng cao chất lượng không khí; kiểm soát tốt nguồn nước sạch; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải…

Đã đến lúc phải có giải pháp cụ thể và hữu hiệu cho sự biến đổi tiêu cực của môi trường, từ những hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải từ nguồn giúp quá trình xử lý rác nhanh hơn; sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối kế hoạch bảo vệ môi trường theo thiết kế ban đầu của dự án; áp dụng công nghệ tiên tiến giúp quá trình xử lý rác nhanh hơn so với tốc độ phát thải, giảm dần lượng rác đang tăng nhanh trên bề mặt trái đất... Muốn hiện thực hóa được mục tiêu trên, sự vào cuộc một cách đồng bộ từ chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà khoa học, cho đến ý thức của người dân trong việc xả thải và phân loại rác, là điều không thể thiếu khi triển khai.

Những tín hiệu tích cực về môi trường

Môi trường bị thu nhỏ khi qua lăng kính của phát triển kinh tế
Phát triển nền kinh tế xanh

Sau nhiều tác động tiêu cực của môi trường tới sự sống trên trái đất những thập niên gần đây, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đã hình thành như: World Wide Fund For Nature (WWF) hoạt động trong bốn mảng chính gồm bảo tồn đa dạng sinh học của các vùng cảnh quan, ứng phó biến đối khí hậu, phát triển thủy điện bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu bảo tồn; Let’s Do It Khởi nguồn từ chiến dịch thu gom rác của đất nước Estonia từ năm 2008, đến nay, Let’s Do It đã được nhân rộng lên đến 112 quốc gia và trở thành thành viện của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP); “Việt Nam Sạch và Xanh” (VNSX) hướng đến các hoạt động nâng cao nhận thức của người Việt Nam về tác hại của việc xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng nơi quy định, thông qua các chương trình giáo dục nâng cao hiểu biết về rác thải và hoạt động vệ sinh môi trường...

Hàng loạt các hội nghị, hội thảo về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã diễn ra như Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Conference of the Parties), viết tắt là COP; Hội nghị quốc tế về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường; Hội nghị Môi trường Thế giới… những sáng kiến xuất phát từ tồn tại thực tế ở mỗi quốc gia, với hàng loạt các lĩnh vực được đưa ra bàn thảo như bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tài nguyên rừng thông qua truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bán tín chỉ carbon giảm phát thải khí nhà kính; tạo chỗ đứng cho hàng hóa có quy trình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn trên thị trường; ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp…

Ở Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các tổ chức chính trị xã hội những năm gần đây, đã giúp thay đổi rõ rệt chất lượng môi trường sống. Nhất là việc nhiều doanh nghiệp đã hào hứng tham gia thị trường tín chỉ carbon, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai. Tuy nhiên, khâu xử lý rác thải còn nhiều điều cần quan tâm như: giải pháp chôn lấp vẫn là cơ bản; chưa có sự đầu tư vào công nghệ mới; hành lang pháp lý cho sản phẩm sản xuất từ rác thải chưa được quan tâm nhiều; chưa chú trọng tới khâu phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ nguồn…

Quá trình phát triển bền vững đối với sự sống trên trái đất, trong đó con người luôn là trung tâm. Vì vậy, bất cứ một lĩnh vực nào gây phương hại cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, cũng cần có giải pháp phù hợp để xử lý, khắc phục hướng tới sự hoàn hảo của cuộc sống trong tương lai.

Vũ Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động