Một cơn bão, hai áp thấp nhiệt đới cùng tương tác "quậy" cực kỳ phức tạp
Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam |
Thêm một cơn bão hình thành ở vùng biển phía Bắc của Philippines, dự báo sẽ tương tác với 2 ATNĐ trên Biển Đông. |
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ về cơn bão và hai ATNĐ này.
PV: Thưa ông, diễn biến của 3 cơn bão và ATNĐ như nào?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Vào 13h chiều nay, áp thấp nhiệt đới KAJIKI (cơn ATNĐ hình thành sớm hơn) vẫn đang trên khu vực ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, ANTĐ này di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 13 giờ chiều mai (14/9), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 13 giờ ngày 05/9, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam. ATNĐ sau đó di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
ATNĐ còn lại đang ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km tiến về phía khu vực phía Đông của Đảo Hải Nam. Đến khoảng ngày 05/9 khả năng ATNĐ này sẽ sáp nhập với ATNĐ trước đó hình thành nên một cơn bão mới và đây có thể sẽ là cơn bão số 5.
Ngoài ra, ATNĐ trên vùng biển phía Bắc của Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Lingling, di chuyển nhanh lên phía Bắc và sẽ tương tác với hai ATNĐ trong biển Đông. Sự tương tác này khiến cho diễn biến của cả hai ATNĐ và bão sẽ còn rất phức tạp trong 2-3 ngày tới.
Đặc biệt, cấu trúc mây của hai ATNĐ đới khá rời rạc, cường độ yếu nên khó dự báo hướng di chuyển. Đối với những cơn dạng này các mô hình khí quyển chỉ có thể đưa ra nhận định 24h, còn sau 24h phân tán nhiều.
PV: Những cơn bão, ATNĐ này sẽ tác động như nào đến thời tiết trên đất liền, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo xuất hiện đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, trong đó trọng tâm mưa rất to là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, lượng mưa trong cả đợt có thể tới trên 500mm từ ngày 02 đến ngày 05/9.
Khu vực thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa phổ biến 200-300mm. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt) và tại Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Mưa lớn làm tăng nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng diện rộng ở các khu vực đồng bằng và đô thị lớn ở ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Hai đợt mưa rất to liên tiếp cho khu vực Trung Bộ sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho hệ thống hồ chứa và thoát nước ở Trung Bộ, đặc biệt các hồ chứa thủy lợi, do ảnh hưởng của mưa cường độ lớn làm tăng nguy cơ xảy ra mất an toàn. Đối với lũ trên sông, có thể báo động 2 đến báo động 3 ở khu vực Hà Tĩnh – Quảng Trị.
PV: Đâu là nguyên nhân của những diễn biến dị thường như trên, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Hiện đang là cao điểm của mùa bão trên khu vực Biển Đông, với hoạt động mạnh của dải hội tụ nhiệt đới cùng với nhiệt độ mặt nước biển cao phổ biến trên 30 độ C. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành nhiều vùng xoáy khác nhau, và sau đó có thể mạnh lên thành ATNĐ và bão.
Tuy nhiên, có thể nói, trường hợp xuất hiện đồng thời hai ATNĐ và bão, cùng tương tác với nhau như thế này là hiếm gặp.
Xin cảm ơn ông!