Muôn nẻo Tết đại ngàn
Khi hoa dã quỳ khoe sắc vàng trên các quả đồi, bờ đá, hay khe suối… báo hiệu mùa xuân đã về với núi rừng Tây Nguyên |
Tây nguyên là nơi hội tụ của nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang một sắc màu riêng. Tuy vậy, sắc xuân của các dân tộc ở đại ngàn Tây Nguyên không thể thiếu sắc hoa dã quỳ - một loài hoa đặc trưng báo hiệu mùa xuân đã về với núi rừng Tây Nguyên.
Theo các già làng người dân tộc thiểu số, trước đây, người dân bản địa nơi đây tính năm bằng mùa hoa dã quỳ, cứ thấy Dã quỳ nở là mùa mưa kết thúc. Và khi dã quỳ nở vàng trên các quả đồi, góc nương, bờ đá hay khe suối… là năm mới đã đến, trẻ con có thêm một tuổi để lớn khôn, người già có thêm tuổi thọ để sống vui cùng con cháu. Theo đó các dân tộc bước vào mùa Tết, mỗi dân tộc tổ chức ăn tết theo cách riêng biệt của họ.
Tết cơm mới của đồng bào Rhadé và Ê Đê
Vào khoảng tháng 10 dương lịch Tết Cơm mới của người Rhadé hay Ể Đê ở Đắk Lắk được tổ chức. Lúc ấy lúa đã chín vàng cả nương rẫy, mỗi gia đình mang gùi đi tuốt lúa về phơi khô giã lấy gạo để tổ chức ăn mừng lúa chín. Tùy theo gia cảnh giàu hay nghèo mà các gia đình giết trâu, bò, heo, gà nhiều hay ít. Lễ vật đặt ở giữa nhà gồm một hay hai bình rượu cần buộc chặt vào gốc cột và vài đĩa cơm. Gia chủ hay thầy cúng lầm rầm khấn vái vị thần xin cho mỗi năm lúa được đầy vựa.
Tết cơm mới là cái tết quan trọng của đồng bào Rhadé và Ê Đê ở Tây Nguyên |
Tết bỏ mả của người Gia Rai
Văn hóa Tết Bỏ Mã của đồng bào dân tộc Gia Rai tại Gia Lai gần giống như tục tảo mộ tiết thanh minh của người Kinh ở dưới xuôi, là hình thức cúng viếng tổ tiên, tưởng niệm, sửa sang mồ mả những người thân đã mất. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong Buôn làng rủ nhau đi thăm viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Mỗi khi nghe tiếng thanh la, trống, cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là báo hiệu lễ Bỏ Mả của một gia chủ nào đó bắt đầu. Mọi người trong buôn nối đuôi nhau, tay cầm đuốc cháy sáng rực tiến về nghĩa địa để chia vui với người thân thuộc. Mọi người không quên mang theo rượu, thịt để góp vui cùng gia đình gia chủ trong suốt cuộc lễ.
Người Gia Rai thực hiện nghi thức Tết bỏ mả |
Tết mừng lúa mới
Người S’tiêng sống nhiều ở tỉnh Kon Tum. Ngày Tết Mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên, phụ nữ ai cũng đeo bắng hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn. Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo để thiết đãi bà con buôn làng. Trong Tết mừng lúa mới, buôn làng tổ chức lễ đâm trâu, cồng chiêng hò reo sôi động. Người Stiêng có tục lệ ngày Tết mừng lúa mới là lấy dây mây song đập nát trộn với đất, rồi đắp lên cơ thể mỗi người để nhắc nhở con cháu rằng thời tiền sử loài người sinh ra chỉ có thịt mà không có xương. Tết mừng lúa mới của người Stiêng kéo dài hai ba ngày.
Phong tục đón Tết mừng lúa mới của người S’tiêng |
Tết giọt nước
Vào khoảng tháng 3 dương lịch, tại Kom Tum người Xơ Đăng tổ chức Tết Giọi Nước. Sau khi hết mùa, người Xơ Đăng bắt đầu sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ “cúng máng” để cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nguồn nước đầy đủ để sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Người Xơ Đăng quan niệm có hai vị thần quan trọng nhất là Thần Nước và Thần Lửa. Đây là hai vị thần của mùa màng và sự sống.
Truyền thống đòn Tết giọt nước của người Xơ Đăng ở Kom Tum |
Dù ngày nay, chính sách đại đoàn kết dân tộc được triển khai mạnh mẽ, lối sống của người dân tộc thiểu số có nhiều biến đổi. Tại một số buôn làng mới, người dân sẽ ăn Tết Nguyên Đán theo lịch của người Kinh. Tuy vậy, nét văn hóa đặc sắc ngàn đời không hề bị lu mờ. Giữ gìn bản sắc văn hóa Tết của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên là một trong những biện pháp quan trọng để giữ gìn nét văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần phần bảo tồn nền văn hóa phong phú, đa dạng ở Tây Nguyên.
Đình Lĩnh