Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu giảm 5-10% tiêu chí về tai nạn giao thông

23/10/2019 13:49 Tăng trưởng xanh
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019.
Hơn 15.000 người thương vong do TNGT trong 9 tháng đầu năm Tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: Thêm 1 nạn nhân tử vong Hơn 5.600 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2019

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019 (từ 15/12/2018 đến 14/9/2019), toàn quốc xảy ra hơn 12.600 vụ TNGT, làm chết hơn 5.600 người và bị thương hơn 9.600 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ (4,28%), giảm 353 người chết (5,87%) và giảm 700 người bị thương (6,78%).

Báo cáo cũng thừa nhận, 9 tháng đầu năm 2019 vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe tải, xe môtô; tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy. Trong khi đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành Giao thông Vận tải, Y tế thực hiện, tỉ lệ còn thấp so với thực tế. Vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.

nam 2020 chinh phu dat muc tieu giam 5 10 ca 3 tieu chi tngt
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, tình hình chống đối lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ còn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm rất manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật. Toàn quốc đã xảy ra 27 vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 12 đồng chí bị thương; bắt giữ 38 đối tượng.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, 22,82% số vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,66% do vi phạm tốc độ xe chạy; 9,94% do chuyển hướng không chú ý; 6,14% do không nhường đường; 5,49% do vượt xe sai quy định; 6,8% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,58% do tránh xe; 1,89% do sử dụng rượu bia; 2,11% do người đi bộ; 34,57% do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do công trình giao thông và các nguyên nhân khác.

Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, báo cáo của Chính phủ cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành bộ 600 câu hỏi thay bộ 450 câu hỏi dùng cho sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; nghiên cứu triển khai bổ sung nội dung sát hạch xử lý các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng; triển khai đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải cũng thực hiện sửa đổi Thông tư số 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo hướng yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô; yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ôtô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường và bổ sung nội dung học lái xe ôtô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Ngoài ra, trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Chính phủ bổ sung 21 hành vi, nhóm hành vi trên cơ sở mô tả cụ thể hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe để xử lý cho phù hợp với thực tiễn.

Minh Tùng
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động