Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ
Nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo
Mục đích của Chương trình nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo và tổ chức kết nối hiệu quả các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp bên mua trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ được đánh giá toàn diện, đồng thời được tham dự các hoạt động hỗ trợ, tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước (Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc...) để đảm bảo việc cải thiện sản xuất, đào tạo và nâng cao năng lực được triển khai rộng khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội tham gia sự kiện kết nối vào cuối năm 2020 nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, giao lưu và làm việc với các doanh nghiệp khách hàng tiềm năng.
Hình ảnh khảo sát tại doanh nghiệp |
Đặc biệt, sau quá trình khảo sát 100 doanh nghiệp trên khắp cả nước, giai đoạn đào tạo tập trung tiếp nối Chương trình gồm 05 khoá học tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn I diễn ra trong tháng 07 và tháng 08 với sự tham gia của 30 học viên từ các doanh nghiệp cho mỗi khoá học. Các học viên tham gia Chương trình thuộc cấp quản lý doanh nghiệp, trưởng, phó phụ trách bộ phận quản lý sản xuất, ban ISO, kỹ thuật viên... Các khoá học được trực tiếp giảng dạy bởi các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong và ngoài nước, cung cấp những kiến thức trong việc hoạch định và thiết lập hệ thống quản trị sản xuất tại doanh nghiệp, đồng thời phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu ngày một cao của khách hàng.
Khoá đào tạo đã đề cập đến những vấn đề thiết thực tại các doanh nghiệp và đưa ra phương hướng giải quyết về các vấn đề như: Giảm thiểu sự lãng phí trong hoạt động sản xuất; Giảm tỷ lệ lặp lại ở các lỗi thường xuyên trong quá trình sản xuất; Nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý; Áp dụng quản lý trực quan nhằm cải thiện tình trạng chia sẻ thông tin nội bộ kém hiệu quả; Khắc phục tình trạng không kiểm soát được tiến độ sản xuất; Kiểm soát được tình trạng máy móc, đo lường được năng lực của máy móc thiết bị...
Ông Đỗ Nam Bình - Giám đốc Trung tâm IDC (bên trái) tặng hoa chúc mừng cho Giảng viên khoá học thuộc Chương trình hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi cơ khí, ô tô, điện tử |
Phát biểu tại lễ khai giảng khóa đào tạo, Ông Đỗ Nam Bình - Giám đốc Trung tâm hỗ IDC đánh giá “ Đây là một chương trình đào tạo, tư vấn bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp, ô tô, điện tử, cơ khí Việt Nam; qua đó bày tỏ kỳ vọng các học viên tham gia khoá học sẽ thu được những kiến thức bổ ích, kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Tiến tới thực hiện thành công đề án “Chương trình hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất cơ khí, ô tô, điện tử”, Trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghiệp đã lên kế hoạch hành động cụ thể qua từng giai đoạn và đạt được một số thành công ban đầu, cụ thể: (1) Liên hệ, khảo sát nhu cầu và tiêu chuẩn của các doanh nghiệp bên mua đối với các nhà cung ứng Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp lắp ráp đầu chuỗi, các vendor cấp 1 hoạt động trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử như Samsung, Toyota, GE, Panasonic, Mitsubishi...; (2) Tiến hành khảo sát và đánh giá 100 doanh nghiệp cung ứng dựa trên các tiêu chí đã đề ra.
Tiếp nối các khoá đào tạo tập trung, chương trình sẽ bước vào giai đoạn đào tạo, hỗ trợ chuyên sâu cho doanh nghiệp tại hiện trường và tổ chức hội thảo kết nối vào cuối năm 2020.
Hình ảnh buổi lễ khai giảng lớp học đào tạo tập trung giai đoạn I tại Hà Nội |
Doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo tập trung tại thủ đô Hà Nội |
Doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh |
Hình ảnh buổi lễ bế giảng lớp học đào tạo tập trung giai đoạn I tại thủ đô Hà Nội |