Nét sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quỳnh Phụ

18/06/2023 11:00 Địa phương
Những năm gần đây, Chính quyền và người dân huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) không ngừng thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, đưa khu vực nông thôn nơi đây ngày thêm sạch đẹp, thực sự đáng sống.
Nét sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quỳnh Phụ
Đường vào xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ) luôn xanh, sạch.

Nét sáng đáng biểu dương

Năm 2019, Quỳnh Phụ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới. Từ đó đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, môi trường,.. Tới nay, toàn huyện đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định của giai đoạn trước, gồm: xã Quỳnh Minh, An Khê, Quỳnh Giao, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Thọ.

Năm 2023, Quỳnh Phụ đăng ký và phấn đấu xây dựng 06 xã về đích NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ -TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm các xã: An Thái, An Ấp, An Thanh, An Hiệp, An Tràng và Quỳnh Bảo.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đạt được những thành quả như vây, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Thông báo Kết luận số 220-TB/HU ngày 13/7/2021 về việc nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại để nâng cấp, cải tạo đường giao thông. Sau gần 2 năm triển khai phong trào hiến đất, giải phóng mặt bằng, toàn huyện gần 4.000 hộ dân tham gia hiến với trên 337.790 m2 đất ở và đất nông nghiệp; cải tạo 19 tuyến đường giao thông ở 30 xã, thị trấn với giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Nhờ đó, hạ tầng giao thông của huyện không ngừng hoàn chỉnh, một số dự án trọng điểm được hoàn thành, mang đến diện mạo mới, cơ hội mới để Quỳnh Phụ bứt phá vươn lên.

Điểm đáng mừng nữa là vấn đề xử lý rác thải; toàn huyện đang thực hiện 02 mô hình xử lý rác, đó là có khoảng nửa địa phương trong huyện thực hiện thu gom xử lý rác tập trung do Công ty CP TM Thành Đạt triển khai thực hiện; mô hình thứ hai là các xã, cụm xã chung nhau khu xử lý, kết hợp giữa chôn lấp và đốt. Hiện nay, Quỳnh Phụ cùng với Công ty CP TM Thành Đạt đang triển khai một khu xử lý tập trung thứ hai dành cho các xã, thị trấn còn lại của huyện. Khi dự án này đi vào hoạt động thì vấn đề rác thải sinh hoạt ở Quỳnh Phụ cơ bản sẽ được giải quyết một cách hữu hiệu.

Nét sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quỳnh Phụ
Công nhân làm việc tại khu xử lý rác của Công ty CP TM Thành Đạt

Ông Nguyễn Viết Chiêu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ chia sẻ: Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ra khu xử lý tập trung của huyện (Công ty CP TM Thành Đạt), chúng tôi giao cho các thôn triển khai thực hiện. UBND xã trang bị cho các thôn xe đẩy, thùng gom, hỗ trợ đồ bảo hộ cho người thu gom rác,... Nhờ đó, rác thải sinh hoạt luôn được thu gom, vận chuyển kịp thời, không có tình trạng ứ đọng rác. Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn để việc thu gom, xử lý đạt hiệu quả, đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường được bền vững hơn.

Để tiếp tục sáng hơn

Nét sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Quỳnh Phụ
Một góc nông thôn xã An Thái (Quỳnh Phụ)

Để tiếp tục gặt hái được thành công hơn nữa trong xây dựng NTM nâng cao, tạo sức bật tốt cho nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu, thiết nghĩ huyện Quỳnh Phụ cần chú trọng thêm một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các địa phương cơ sở:

Một là: Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào hiến đất mở đường theo Thông báo Kết luận số 220-TB/HU ngày 13/7/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về việc nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại để nâng cấp, cải tạo đường giao thông. Như vậy sẽ luôn tạo ra không khí thi đua, tiếp tục lan tỏa tinh thần chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân, tạo điều kiện để việc thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi của các xã sớm hoàn thành.

Hai Là: Công tác phân loại rác tại nguồn cần thực hiện thực chất hơn; làm tốt việc đó sẽ giảm tải cho công tác thu gom và xử lý; phân loại rác tại nguồn tốt còn nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, đưa ý thức đó sớm trở thành hành động đẹp để giới trẻ tích cực tham gia.

Ba là: Công tác tạo nguồn cần được tháo gỡ. Với cơ chế hiện nay, đấu giá đất ở khu vực xen kẹt dưới các xã đang được tỉnh Thái Bình phân chia nguồn cho cấp xã là 40%, cấp huyện là 40%, tỉnh là 20% (Tỷ lệ 4:4:2, sau khi trừ các khoản chi phí làm hạ tầng, giải phóng mặt bằng do cấp xã thực hiện). Do thị trường bất động sản ảm đạm nên giá đấu thành công thường chỉ cao hơn một chút so với giá khởi điểm mà đơn vị đấu giá đưa ra dẫn tới tình trạng, có đất cũng không đấu được; một số xã đấu được nhưng tỷ lệ để lại còn không đủ bù các khoản chi phí hoặc dư cũng không nhiều. Bởi thế, các địa phương thường không mặn mà với việc tạo nguồn từ việc xây dựng kế hoạch đấu giá đất, khiến kinh phí xây dựng của một số xã không đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao,,... Nên chăng, việc tạo nguồn từ đấu giá đất, tỷ lệ để lại cho cấp xã cần được cân đối cao hơn để kích thích các địa phương đẩy mạnh nhiệm vụ này.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động