Ngành Y Hà Nội: Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, chất thải để phòng, chống nCoV
Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh nCoV tại nơi làm việc |
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khảo sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị. |
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/7/2018 về việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế, chú trọng thực hiện đúng các hướng dẫn về kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải trong công tác cách ly, chăm sóc, điều trị giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona được hướng dẫn tại Quyết định 343/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV); Quyết định 345/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 về việc ban hành Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV); Quyết định 344/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 về việc ban hành Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV).
Chú ý các biện pháp như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Tăng cường thông khí khu vực cách ly, nhà ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Thường xuyên vệ sinh khu vực cách ly, buồng bệnh, nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy... bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật với các dung dịch sát khuẩn và chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách khi tiếp xúc với người khác để hạn chế lây truyền bệnh. Hướng dẫn người được cách ly thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng và thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh; đối với các rác thải sinh hoạt khác, thu gom vào thùng đựng rác thải thông thường.
Với nhân viên y tế, thực hiện triệt để các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế chuyên dụng; kính đeo mắt, găng tay, quần áo phòng hộ, mũ bảo hộ, bao giầy...trong quá trình tiếp xúc, vận chuyển người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và các bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện làm sạch, khử nhiễm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ điều trị, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút corona theo quy định. Khử trùng phương tiện vận chuyển bằng dung dịch khử trùng có chứa clo hoạt tính với nồng độ 0,5% ngay sau khi vận chuyển.
Việc khử trùng các khu vực có liên quan khác bằng biện pháp lau rửa hoặc phun bề mặt với dung dịch khử trùng có chứa 0,5% clo hoạt tính sẽ do cán bộ dịch tễ quyết định dựa trên cơ sở điều tra thực tế với nguyên tắc tất cả các khu vực ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng đều phải được xử lý. Nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh phải được khử trùng bằng cách lau rửa hoặc phun nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với dung dịch khử trùng có chứa 0,5% clo hoạt tính. Phun vừa đủ ướt bề mặt cần xử lý. Số lần phun sẽ căn cứ vào tình trạng ô nhiễm thực tế tại ổ dịch để quyết định.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải y tế tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường và hướng dẫn của Bộ Y tế.