Ngành Y tế: Nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu
Bộ Y tế quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành |
Một số kế hoạch hành động của ngành Y tế cũng đã lồng ghép các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Dễ dàng nhận thấy, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu được Bộ Y tế lồng ghép trong chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam. Các nội dung đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan cũng đã được lồng ghép trong hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn các giai đoạn 2006-2010, 2012-2015.
Một số kế hoạch hành động của ngành y tế cũng đã lồng ghép các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu như kế hoạch triển khai phong trào vệ sinh yêu nước bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, kế hoạch triển khai cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, kế hoạch hành động phòng chống bệnh sốt rét giai đoạn 2015-2020, kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020, kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020; kế hoạch hành động về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai của ngành y tế giai đoạn 2015-2020; thông tư liên tịch quy định về chất thải y tế (Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT). Đặc biệt, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được ban hành, nhằm mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế để phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Trong đó, ngành Y tế đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành Y tế trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu: ít nhất 70% văn bản chính sách của Bộ Y tế về sức khỏe môi trường và cộng đồng, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị và công trình y tế, phòng chống thiên tai thảm họa, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế tuyến tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với biến đổi khí hậu: 100% cán bộ y tế địa phương được truyền thông và tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức hoạt động giáo dục, truyền thông về biến đổi khí hậu và sức khỏe cho cộng đồng; cuối cùng là tăng cường khả năng ứng phó với biển đổi khí hậu của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở: ít nhất 80% cơ sở y tế xây mới có áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, 70% trạm y tế xã, phường tại các địa bàn dễ bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu có đủ năng lực và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng một cách có hiệu quả với các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan.
Tầm nhìn đến năm 2050, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu được tích hợp vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch từng giai đoạn và hàng năm của ngành Y tế. Đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực, nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và hiệu quả đối với các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe; năng lượng xanh, năng lượng tái tạo được sử dụng phổ biến nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các cớ sở y tế.
Thời gian tới, sẽ có một số chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực y tế được lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu, như: quy hoạch về mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh, kế hoạch cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là cơ hội để ngành Y tế tiến hành rà soát, đánh giá, đầu tư, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về hệ thống y tế phát triển toàn diện đáp ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. |