Nghiêm ngặt hơn nữa trong xử lý chất thải y tế nguy hại từ cơ sở cách ly

02/04/2020 10:28 Quản lý nguồn thải
Việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại nhất là chất thải từ các cơ sở cách ly là ưu tiên hàng đầu của Công ty cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - URENCO 13. Đặc biệt, các phương án xử lý trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài cũng được lên kịch bản cụ thể.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam liên tục gia tăng. Sự gia tăng về số lượng bệnh nhân và số người cách ly tại cộng đồng hay tại khu cách ly tập trung cũng đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng rác thải y tế nguy hại. Nếu không được xử lý đúng quy trình thì đây cũng là một nguồn lây nhiễm chéo dịch bệnh cho cộng đồng.

Khử khuẩn triệt để

nghiem ngat hon nua trong xu ly chat thai y te nguy hai tu co so cach ly
Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ một lần khi đưa rác lên phương tiện thu gom

Bà Vũ Vân Hà - Giám đốc Urenco 13, Urenco 13 là đơn vị trực tiếp thu - gom rác thải y tế tại một số bệnh viện và địa điểm cách ly, khi dịch Covid - 19 phát sinh trong cộng đồng, quy trình vận chuyển, sản xuất của Urenco 13 vẫn thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ nguyên và Môi trường, đồng thời tăng cường phun khử khuẩn với nồng độ đậm đặc.

Bà Hà dẫn chứng, tại mỗi điểm lấy rác, công nhân đều tiến hành phun khử khuẩn trước khi thu gom; trang bị đầy đủ đồ bảo hộ một lần khi đưa rác lên phương tiện thu gom và tiếp tục phun khử khuẩn toàn bộ ngoài xe trước khi chở về nhà máy xử lý. Tại cổng nhà máy tiếp tục phun khử khuẩn để đảm bảo công tác khử khuẩn tuyệt đối.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và các khách hàng phân loại triệt để rác thải tại nguồn để đảm bảo công tác thu gom rác thải sinh hoạt được tập trung, không bị lẫn với rác thải y tế. Cùng đó, có cảnh báo cho công nhân môi trường chú trọng hơn trong công tác thu gom với những nguồn rác có nghi nhiễm.

nghiem ngat hon nua trong xu ly chat thai y te nguy hai tu co so cach ly
Công nhân đều tiến hành phun khử khuẩn trước khi thu gom

Cũng theo Giám đốc Urenco 13, khi rác thải về nhà máy, công tác sản xuất cũng được chú trọng hơn. Cùng với việc tuân thủ quy trình xử lý rác thải y tế nguy hại như trước đây, nhà máy còn tăng cường tần suất phun khử khuẩn khi rác về.

“Ở mỗi ca sản xuất tôi đều yêu cầu anh em sử dụng bảo hộ một lần; và sau mỗi ca sản xuất các dụng cụ như kính mắt, giày, găng tay… đều được ngâm dung dịch khử khuẩn trước khi sử dụng ở ca sau. Các đồ bảo hộ một lần cũng được phân loại và xử lý như rác thải y tế”, anh Nguyễn Tấn Thinh - Tổ trưởng tổ hấp sấy, URENCO 13 thông tin.

Có thể nói, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý rác thải y tế nguy hại là ưu tiên số một tại Urenco 13. Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân làm việc tại Xưởng hấp sấy của Urenco 13 chia sẻ, trực tiếp làm tại lò hấp rác thải y tế, anh và đồng nghiệp luôn thực hiện bảo hộ lao động đầy đủ trước khi vào ca làm việc. Công tác này được chấp hành kể cả trước và sau khi có dịch Covid-19 xảy ra.

Duy trì phân loại, tần suất thu gom ở khu cách ly

Tại địa điểm cách ly ở trường đại học FPT, TP Hà Nội, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế nguy hại qua quá trình sử dụng đều được phân loại, khử trùng bằng dung dịch Chloramin B nhiều lần trước khi đưa lên xe chuyên dụng vận chuyển đến khu vực xử lý rác thải y tế nguy hại.

Bà Hà cho biết, khu cách ly ở trường đại học FPT là một trong 3 khu cách ly hiện nay Urenco 13 đang tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế (cùng với khu cách ly tại Tứ Hiệp và Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Ước tính, mỗi khu cách ly phát sinh 150 – 200kg/ngày rác thải y tế.

nghiem ngat hon nua trong xu ly chat thai y te nguy hai tu co so cach ly
Rác thải nguy hại từ khu cách ly được chuyển về nơi xử lý của Urenco13

Công tác phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải từ các cơ sở cách ly đặc biệt được chú trọng. Trong đó, đơn vị luôn trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc, giao nhận chất thải phát sinh từ các cơ sở cách ly; bảo đảm phương tiện phòng hộ cá nhân phủ kín toàn cơ thể. Chất thải trước khi tiếp nhận phải được phun khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính; các thùng nhựa cứng 240l màu vùng chứa rác thải y tế từ khu cách ly đều phải dán dòng chữ: “ CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA COVID-19”; chữ được dán to, rõ ràng, không bong tróc khi sử dụng…

“Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại khu cách ly phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công nhân thu gom, xe vận chuyển phải tuyệt đối chấp hành quy định về phương tiện phòng hộ cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ”, bà Hà nói và khẳng định, thời điểm này, quan trọng là đảm bảo công tác phân loại, tần suất thu gom ở các cơ sở cách ly y tế đảm bảo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại tại khu cách ly.

Đến thời điểm này, công suất hoạt động của Urenco 13 vẫn đáp ứng được nhu cầu xử lý trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, xác định dịch Covid-19 còn có thể diễn biến phức tạp và kéo dài, đơn vị đã xây dựng các phương án ứng phó cụ thể; kiến nghị phối hợp với các đơn vị trong Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, vượt quá khả năng công suất của nhà máy.

“Rêng với đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải y tế của Urenco hiện nay là Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) đã ban hành quy trình sản xuất cho người lao động để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch; tăng cường công tác bảo hộ, tăng cường sức khỏe cho lao động cho người lao động trong giai đoạn mùa dịch. Với một số cán bộ, công nhân của Urenco 13 đang làm việc tại bệnh viện Bạch Mai - nơi được coi là “ổ dịch” hiện nay, đơn vị cấp phát nhu yếu phẩm thường xuyên để anh em yên tâm công tác ở vùng dịch. Kinh qua công tác phòng chống dịch SARS, cúm gia cầm H5N1, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, anh em đều xác định đây là nhiệm vụ và đồng lòng để hỗ trợ đơn vị trong giai đoạn chống dịch. ”, bà Vũ Vân Hà, giám đốc Urenco 13.

PV tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động