Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng đến quý IV

28/07/2023 09:02 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Mặc dù dự báo tình hình xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn đối với ngành dệt may còn kéo dài hết năm nay, do nhiều doanh nghiệp hiện chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV tới, dệt may thiếu đơn hàng, đơn giá giảm trên 50%. .
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng đến quý IV

Sức cầu yếu của thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khâu dệt may.

Đơn hàng manh mún, đơn giá giảm trên 50%

Ngành dệt may trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu. Việt Nam là nước giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022, tương ứng mức giảm 3,7 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).

Đáng chú ý, thực hiện xuất khẩu 5 tháng 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Hoa Kỳ với mức 27,1%; tiếp đến là Canada giảm 10,9%; EU giảm 6,2%; Hàn Quốc giảm 2%; riêng Nhật Bản tăng 6,6%...

Lý giải về mức giảm sâu này, đại diện VITAS cho rằng không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1.1.2023).

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 5 tỷ USD đều giảm, giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, thuỷ sản, dệt may, da giày.

Riêng với Vinatex, 2 lĩnh vực chính đối mặt với nhiều khó khăn nhất là ngành sợi và ngành may.

Với ngành sợi, khó khăn kéo dài từ quý 3/2022, đỉnh điểm là quý 4/2022 và tiếp tục đến tháng 6/2023 vẫn khó. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) biến động liên tục khi lên khi xuống và hiện giờ giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp sợi lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với ngành may, từ quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì khách không biết đến, không có đơn hàng”, ông Hiếu nêu thực tế.

Thậm chí mặt hàng không đúng sở trường vẫn phải làm: dệt thoi làm dệt kim, dệt kim làm dệt thoi; không có đơn hàng quần thì nhận đơn hàng áo… Để làm “trái tay” tốt, doanh nghiệp lại phải đầu tư thêm máy móc thiết bị, đào tạo tay nghề cho công nhân, nếu không trống chuyền công nhân phải nghỉ việc.

Còn với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng. Do giai đoạn dịch 2020-2021, khách hàng chỉ làm việc ở nhà nên khi lượng tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp tập trung vào chủ yếu sản xuất mặt hàng này. Vì vậy, từ 2022 đến nay mặt hàng dệt kim của tất cả các nhãn hàng trên thế giới tồn kho số lượng lớn.

Không chỉ vậy, đơn giá còn giảm khủng khiếp. Thực tế nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước kia 1 chiếc áo sơ mi là 1,7-1,8 USD nhưng giờ chỉ còn 85-90 cent.

Chưa kể, khi đã khó khăn thì nhiều yếu tố khó khác lại đến. Gia công xong khách hàng lại hoãn thời gian nhận hàng gây bất ổn cho doanh nghiệp trong vấn đề dòng tiền, kho chứa sản phẩm chưa xuất được ngay. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn…

Lãi suất neo cao, doanh nghiệp dệt may hạn chế đầu tư

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, chẳng hạn gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên khó khăn về nguồn vốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với nhiều áp lực, nhất là lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Đó là nhận định của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean khi đánh giá tình hình các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải.

Ông Việt cho biết, ở thời điểm hiện tại, Việt Thắng Jean không vay thêm vốn dù đang có nhu cầu đầu tư sản xuất. Thế nhưng, do lãi suất ngân hàng quá cao và tỷ giá VND/USD biến động… nên rất khó cho doanh nghiệp khi xuất, nhập khẩu “Chúng tôi có nhu cầu vay vốn để đầu tư hoàn chỉnh cho công nghệ 4.0, đầu tư 5 dây chuyền sản xuất mới, với 5 triệu USD/dây chuyền để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại Việt Thắng Jean chỉ sản xuất cầm chừng, cố gắng kinh doanh không lỗ và tạm ngừng đầu tư theo dự định”, ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ, trong quý II/2022, doanh nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà xưởng mới với công suất khoảng 60.000-70.000 sản phẩm/tháng ở quận Bình Tân (TP.HCM), đồng thời Dony còn chuẩn bị chi phí mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại, đăng ký các chứng nhận tiêu chuẩn nhà xưởng để mở rộng thị trường.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ, trong quý II/2022, doanh nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà xưởng mới với công suất khoảng 60.000-70.000 sản phẩm/tháng ở quận Bình Tân (TP.HCM), đồng thời Dony còn chuẩn bị chi phí mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại, đăng ký các chứng nhận tiêu chuẩn nhà xưởng để mở rộng thị trường “giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 có nhiều biến động trong sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may, thêm những tác động từ nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bủa vây nên mọi kế hoạch phải tạm dừng. Chúng tôi dự kiến bắt đầu lại khi doanh nghiệp nhận thấy các tín hiệu khả quan, có thể là giai đoạn 2024-2025”, ông Quang Anh chia sẻ.

Lãi suất cao không chỉ khiến doanh nghiệp phải dừng các dự án mở rộng thị trường, mà còn hạn chế đầu tư, nâng cấp máy móc và trang thiết bị hiện có ở nhà xưởng.

Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình hiện đại hóa, tự động hóa, giảm tốc độ tăng trưởng và chất lượng sản phẩm… Từ đó khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và hạn chế cơ hội đón đầu các đơn hàng mới vì công suất có giới hạn.

Một số giải pháp tạo điều kiện cho xuất khẩu cán đích 40 tỷ USD

Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi như sau:

Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Có thể thấy, ưu tiên giữ chân lao động là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp dệt may hiện nay. Song, theo ông Trương Văn Cẩm, nếu chỉ nỗ lực của riêng của doanh nghiệp là không đủ. Theo đó, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, như cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Các quỹ như Quỹ Công đoàn đang có kết dư, nên cho phép doanh nghiệp để lại khoản đóng quỹ 2% cho Công đoàn cơ sở để chăm lo chính người lao động ở cơ sở; giãn, hoãn đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho doanh nghiệp.

Trước những thách thức này, ông Hiếu cho biết Vinatex sẽ tập trung vào các giải pháp chính, như đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.

Ở vai trò Hiệp hội, đại diện lãnh đạo VITAS cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ. Cùng với đó, phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực…; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, VITAS sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến người lao động, giải pháp giữ chân khách hàng cũng như hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững.

DH

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động