Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

19/09/2023 08:04 Địa phương
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức các hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị trị toàn cầu là một trong nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được Đảng ủy, UBND tỉnh Phú Thọ quán triệt thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Hiện nay, toàn tỉnh có 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như: cơ khí, dệt may, da giày, thiết bị điện - điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản…Một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo đã gây dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, Phú Thọ hiện cũng đã có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với 166 dự án đầu tư.

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, Sở Công thương tỉnh Phú Thọ đã đưa ra các tiêu chí để xác định các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, tỉnh luôn ưu tiên các dự án đầu tư trọng điểm, mang tính bền vững, có sức lan tỏa để tăng lợi thế cạnh tranh.

Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng Phú Thọ đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, năng lượng tái tạo, như: Dự án BYD (Trung Quốc) 269 triệu USD; dự án lốp xe INOUE (Nhật Bản) 90 triệu USD; dự án dệt may Hồng Kông (Trung Quốc) 180 triệu USD; dự án V.Sun (Nhật Bản) 200 triệu USD. Đây đều là các dự án dự kiến sẽ bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Điều này cho thấy hiệu quả trong thực hiện khâu đột phá chiến lược “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” của tỉnh với những giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Xác định ưu thế trong thu hút đầu tư là có vị trí giao thông thuận lợi, Phú Thọ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông Quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất. Năm 2022, nhiều tuyến đường lớn được đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đi vào hoạt động như đường Hai Bà Trưng kéo dài (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Tất Thành đến nút giao với đường Âu Cơ), đường giao thông liên vùng tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, đường Âu Cơ, đường nối thị xã Phú Thọ đi xã Đông Thành, huyện Thanh Ba…

Đặc biệt, Phú Thọ duy trì nền kinh tế ổn định, liên tục tăng trưởng, tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hai năm 2021 và 2022 và những tháng đầu năm 2023, Phú Thọ đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả tích cực. Năm 2022, 9/9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng GRDP ước đạt 7,97%; tổng thu NSNN ước đạt 8.780 tỷ đồng/dự toán 5.651 tỷ đồng.

Song song với việc thiết lập các tiêu chí, để giúp các nhà đầu tư giảm thiểu thời gian và chi phí, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đưa ra nhiều chương trình xúc tiến thương mại, theo dõi sát sao, chủ động nắm bắt tình hình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng, xây dựng các khu - cụm công nghiệp.

Cụ thể, ngày 24/5/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1885/UBND-CNXD về việc tăng cường hiệu quả triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023.Đây cũng là giải pháp quan trọng trongcông tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ phục hồi sản xuất; đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, các thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng thường xuyên lắng nghe, quan tâm giúp đỡ, giải quyết triệt để những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án và sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Phú Thọ còn có chính sách hỗ trợ đầu tư về kết nối hạ tầng khu công nghiệp và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện nước tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, đường giao thông đến ngoài hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng.... Đặc biệt, với các dự án trọng điểm sẽ phát huy vai trò Tổ công tác chỉ đạo giải quyết trình tự, thủ tục với cơ chế xử lý nhanh và trực tiếp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư trung tâm logistics, tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP… để mở rộng thị trường mới; thu hút các dự án phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư kinh doanh, đồng thời vận động thu hút mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý về đầu tư góp phần đưa Phú Thọ phát triển toàn diện.

Thời gian qua, Đảng ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra rất nhiều biện pháp để khai thác triệt để tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, có một thực tế vẫn còn tồn tại đó là hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở viêc sản xuất một số sản phẩm cơ bản, các hoạt động công nghiệp vẫn đang trong quá trình phát triển nên vẫn còn nhiều yếu kém. Các nguyên liệu chính phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, điều này khiến cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn còn khá cao.

Trước những khó khăn thực tại nêu trên, Phú Thọ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việc các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sẽ là nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.

Để hiện thực hóa mục tiêu, thời gian tới, Sở Công Thương Phú Thọ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn để kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức các hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị trị toàn cầu.​

Phạm Kiên

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động