Những chính sách chủ yếu của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi khá cơ bản, toàn diện và có nhiều điểm mới |
Nội dung dự thảo Luật đã bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo hồ sơ dự án Luật, cụ thể:
1. Nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư
2. Nhóm chính sách về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường
3. Nhóm chính sách về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường
4. Nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải
5. Nhóm chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường
7. Nhóm chính sách về công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT
8. Nhóm chính sách về quản lý chất lượng môi trường
9. Nhóm chính sách về quản lý cảnh quan thiên nhiên
10. Nhóm chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu
11. Nhóm chính sách về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường
12. Nhóm chính sách về quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường
13. Nhóm chính sách về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT
Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định khác, bao gồm: Sửa đổi, bổ sung làm rõ một số từ ngữ; Sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật có liên quan đến BVMT; Sửa đổi, bổ sung các điều khoản chuyển tiếp để xử lý sự giao thoa, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật về BVMT.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về vấn đề còn có ý kiến khác nhau như sau:
Luật BVMT 2014 quy định các Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy một số Bộ, cơ quan ngang bộ do không có đơn vị chuyên môn để thẩm định ĐTM nên đã phải đề nghị Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh hỗ trợ thẩm định. Mặt khác, do các Bộ, cơ quan ngang bộ không có chức năng thanh tra chuyên ngành về BVMT nên việc thẩm định ĐTM không đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện, dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về BVMT của dự án, cơ sở.
Trong quá trình tổng hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân, để khắc phục bất cập nêu trên, một số ý kiến đề nghị chỉ giao thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) với các lý do: (1) Các Bộ này thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, trong đó có thiết kế xây dựng của công trình BVMT nên việc giao thẩm định báo cáo ĐTM sẽ thuận lợi và giảm TTHC; (2) Các Bộ này hiện nay đều có cơ quan chuyên môn về BVMT và quá trình thẩm định thời gian qua vẫn đáp ứng được yêu cầu BVMT. Tuy nhiên, cũng một số ý kiến đề nghị không giao các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư mà nên thống nhất giao cho cơ quan QLNN về BVMT ở Trung ương và cấp tỉnh thực hiện, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh được giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.
Do còn có nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 02 phương án sau:
Phương án 1: giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT.
Ưu điểm: (1) Theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án nhóm B và nhóm C thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cùa các Bộ chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉ có tác động xấu đến môi trường trong quá trình xây dựng, ít phát sinh chất thải khi đi vào vận hành; (2) Theo quy định của Luật Xây dựng, các Bộ này thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng trong đó có thiết kế xây dựng của công trình BVMT nên việc giao thẩm định báo cáo ĐTM sẽ thuận lợi và giảm TTHC; (3) Các Bộ này hiện nay đều có cơ quan chuyên môn về BVMT và quá trình thẩm định thời gian qua vẫn đáp ứng được yêu cầu BVMT.
Nhược điểm: các Bộ, cơ quan ngang bộ này không có chức năng thanh tra chuyên ngành về BVMT nên việc thẩm định ĐTM không đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Phương án 2: không giao các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thẩm định các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh) mà giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT.
Ưu điểm: bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ.
Nhược điểm: Không tích hợp được quá trình thẩm định báo cáo ĐTM với quá trình thẩm định thiết kế xây dựng tại các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nhằm giảm TTHC cho các doanh nghiệp; không phát huy được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về môi trường của một số Bộ, cơ quan ngang bộ trong thẩm định báo cáo ĐTM.
Chính phủ đề nghị chọn theo Phương án 1.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.