Phát triển chăn nuôi bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường
Khuôn viên khu trang trại toát lên màu xanh sinh thái. |
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn gia công xã Lưỡng Ngoại, huyện Bá Thước (thuộc Công ty TNHH CJ Vina) trong ngày gần đây, chúng tôi thấy toàn khuôn viên nơi đây toát lên không gian xanh sinh thái, hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng khá bài bản, có hệ thống thu gom xử lý chất thải đồng bộ, các khu chuồng nuôi đều có hệ thống làm mát, hệ thống hút gió, hút mùi… giữ cho chuồng chăn nuôi luôn khô thoáng, hạn chế tối đa mùi phát tán ra môi trường.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn gia công xã Lưỡng Ngoại do bà Trương Thị Liên làm chủ là một trong những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Bá Thước. Toàn trang trại có tổng diện tích mặt bằng rộng 2.976m2 gồm: nhà nuôi lợn thịt và chuồng cách ly, kho chứa thức ăn, kho thuốc, kho sát trùng, quy mô khoảng 1000 con với tổng vốn đầu tư ban đầu 1.883.000.000 đồng.
Dự án trang trại của bà Liên đã được UBND huyện Bá Thước chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 946 ngày 3/5/2019 Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi lợn gia công thời hạn 50 năm. Đồng thời được UBND huyện Bá Thước cấp Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường từ ngày 30/5/2019.
Hệ thống dẫn và thu gom nước thải được đầu tư bài bản đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Liên, chủ trang trại cho biết: Xác định rõ việc muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì công tác BVMT phải luôn luôn được chú trọng hàng đầu. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất chăn nuôi của trang trại tuân thủ nghiêm ngặt quy định về BVMT và không ngừng cải tiến, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, giúp giảm thiểu tối đa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. “Chỉ có làm tốt công tác xử lý chất thải, mùi hôi trong chăn nuôi và công tác môi trường nói chung mới có thể hạn chế được dịch bệnh, lợn nuôi lớn nhanh hơn, từ đó không bị thiệt hại về kinh tế” – bà Liên nói.
Theo đó, trang trại bà Liên đang áp dụng công nghệ ép tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, các chất rắn được giữ lại ép khô, nước theo đường riêng chảy vào bể biogas xử lý tiếp. Phân khô được sử dụng để bón cho cây trồng và khí từ bể biogas có thể sử dụng để đun nấu vừa tiết kiệm, vừa BVMT. Do chăn nuôi quy mô lớn nên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được đặc biệt quan tâm. Trang trại đảm bảo vị trí xa khu dân cư, chăn nuôi hoàn toàn khép kín và công tác xử lý chất thải đặc biệt được chú trọng bởi môi trường đảm bảo sẽ hạn chế các nguồn dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Quá trình xử lý chất thải bằng công nghệ ép tách phân tuy đầu tư ban đầu tốn kém nhưng hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò theo hướng công nghiệp hiện nay.
Hệ thống khử mùi của trang trại có ống hút mùi cao 16m để đẩy mùi lên cao không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. |
Những năm qua, trang trại thực hiện quan trắc thường xuyên lưu lượng nước thải, chất lượng nước thải, nguồn nước tiếp nhận, đảm bảo các thông số trước khi thải ra ngoài môi trường. Giá trị thông số các chất ô nhiễm chính có trong nước thải của trang trại được phép xả vào nguồn nước tiếp nhận, không vượt quá giá trị quy định tại QCVN-62-MT-2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, và tuân thủ các chỉ số theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 200/GP/UBND, do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 5/1/2020.
Mới đây, trang trại còn tiến hành xây dựng hoàn thiện xong hệ thống khử mùi có ống hút mùi cao 16m để đẩy mùi lên cao không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đường ống dẫn nước thải dài hơn 600m dẫn nước thải từ trang trại ra địa điểm xả thải theo quy định, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của khu dân sinh.
Bên cạnh đó, trang trại còn thực hiện tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên – Môi trường Thanh Hóa và UBND huyện Bá Thước (trước ngảy 15/12 hàng năm) về tình hình thu gom, xử lý nước thải, xả nước thải và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả nước thải; các kết quả quan chắc lưu lượng, chất lượng nước thải và nước nguồn tiếp nhận theo quy định.
Khu nhà trung tâm điều hành hoạt động của trang trại. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Ngoại, huyện Bá Thước cho biết: Trang trại chăn nuôi lợn gia công của bà Trương Thị Liên là trang trại chăn nuôi quy mô lớn của xã và huyện Bá Thước. Trang trại đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống quan trắc môi trường, xử lý chất thải theo quy định và giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng. Trang trại đã giải quyết việc làm cho gần 30 lao động địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội tăng thu ngân sách góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp ổn định chính trị và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn…
“Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BVMT địa phương, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp BVMT trong chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ cách xử lý chất thải; thành lập đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra môi trường và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời…Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp xuống từng hộ dân hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học, cách phun thuốc sát trùng, khử khuẩn, hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, hợp vệ sinh, nhờ đó vấn đề môi trường ở địa phương luôn được đảm bảo..” – ông Hoàng cho biết thêm.
Trang trại đảm bảo vị trí xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi hoàn toàn khép kín. |
Nói về chiến lược phát triển ngành chăn nuôi ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là nhiệm vụ quan trọng mà huyện Bá Thước đặt ra trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp CNC ở huyện Bá Thước mới đang manh nha, diện tích ít, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Chăn nuôi còn phát triển nhỏ lẻ, mới chỉ có 1 trang trại chăn nuôi lợn tập trung và đầu tư bài bản về hạ tầng là của bà Trương Thị Liên ở thôn Giàu Cả, xã Lưỡng Ngoại và 3 trang trại lợn đã được chấp thuận chủ trương đang đi vào hoạt động...
Trang trại của bà Liên là mô hình mẫu đầu tiên của địa phương về đầu tư phát triển chăn nuôi lợn sạch CNC, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Bá Thước. Phát triển trang trại, tạo ra vùng sản xuất thực phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, CNC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai, tùy theo lợi thế từng vùng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng…
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.