Phát triển du lịch, một cách làm của Thái Nguyên
Đồi chè Cầu Đá (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ) một trong những đồi chè đẹp nhất Thái Nguyên |
Nhiều thế mạnh về du lịch
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê. Trong đó, có 01 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích cấp quốc gia và 232 di tích cấp tỉnh; 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Thái Nguyên còn là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, với khoảng 22.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 260.000 tấn; nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã kết hợp với hoạt động du lịch tạo ra điểm trải nghiệm văn hoá trà đặc sắc; toàn tỉnh có gần 200 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao,... Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận điểm du lịch; cơ bản các điểm này đều phát triển theo hướng sinh thái, cộng đồng phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hoá truyền thống.
Phong trào “Người Thái Nguyên đi du lịch Thái Nguyên”
Để du lịch địa phương phát triển, cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phát động phong trào "Người Thái Nguyên đi du lịch Thái Nguyên". Qua đó, Ban chỉ đạo đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thông tin, tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trên địa bàn; đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh hưởng ứng tham gia và khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá thu hút khách du lịch; đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để lan toả mạnh mẽ phong trào, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đồng đảo người dân trong tỉnh.
BCĐ phát triển du lịch tỉnh thực hiện nghi thức phát động phong trào Người Thái Nguyên đi du lịch Thái Nguyên |
Nổi bật của việc Người Thái Nguyên tích cực đi du lịch Thái nguyên là Chương trình Famtrip “Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh”. Chương trình diễn ra vào thời điểm cuối năm 2023, là điểm nhấn ấn tượng về hoạt động truyền thông, quảng bá về các điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên của tỉnh Thái Nguyên.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên và các phòng, đơn vị chuyên môn; lãnh đạo Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Thái Nguyên, Hiệp hội Du lịch tỉnh; đại diện Khu, điểm du lịch, Công ty lữ hành du lịch tỉnh Thái Nguyên; đại diện Công ty lữ hành du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh và các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương, địa phương.
Với hành trình, điểm đến đầu tiên là Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái thuộc phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Đây là nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại đây đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của tổ quốc và tham quan khu trưng bày với trên 350 tài liệu, hiện vật tái hiện lại cuộc sống khó khăn, gian khổ và sự hy sinh vô cùng anh dũng của các liệt sỹ.
Tiếp tục hành trình là thăm Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam. Toạ lạc tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam với diện tích gần 40.000 m2, gồm 5 phòng trưng bày trong nhà và 6 công trình trưng bày ngoài trời với gần 50.000 tài liệu, hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc, tái hiện được nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.
Điểm đến tiếp theo là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải với quy mô diện tích lên tới 25 ha, với núi đồi, cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn, đặc biệt là 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm; các ngôi nhà sàn này đều được di chuyển về từ ATK Định Hóa và phục dựng giữ nguyên bản để gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất. Tại đây, đoàn được tham gia vào các hoạt động trích đoạn nghi lễ, lễ hội Lồng Tồng của người Tày; tìm hiểu đời sống văn hoá của người Tày trong Khu bảo tồn; thử thách sinh tồn, nấu ăn, làm bánh, trồng chè hay lắp mô hình nhà sàn; trò chơi dân gian…
Du lịch tại hang Phượng Hoàng (Võ Nhai, Thái Nguyên) |
Nếu cách làm này tiếp tục được phát huy, tin rằng du lịch Thái Nguyên sẽ không ngừng phát triển trong thời gian tới. Bởi bên cạnh sự kích cầu du lịch nội tỉnh, mỗi người dân địa phương còn có thể trở thành một người làm du lịch, một tuyên truyền viên hữu ích, góp phần đưa thông tin, hình ảnh của Thái Nguyên đến với du khách ngoài tỉnh một cách hiệu quả hơn.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO