Phương án ứng phó thiên tai của Bộ Công Thương
Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 |
Ngành điện nỗ lực phòng chống thiên tai (Ảnh minh hoạ) |
Với mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương án ứng phó thiên tai của Bộ Công Thương còn nhằm đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng cục quản lý thị trường, các Vụ, Cục, Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, doanh nghiệp, Sở Công Thương... trong việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ các tác động của thiên tai lên các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và theo lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình phụ trách.
Theo Quyết định, công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm cung cấp điện, xử lý hệ thống điện an toàn. Cụ thể về an toàn cho nguồn điện, lưới điện, cơ sở công nghiệp sẽ thực hiện kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị; hệ thống chống sét và tiếp đất; kho chứa và hệ thống vận chuyển nhiên liệu; hệ thống thải, chứa tro xỉ; hệ thống bơm làm mát trước mùa mưa lũ đảm bảo vận hành an toàn và đảm bảo môi trường.
Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý trước mùa mưa lũ hàng năm; Tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220 kV, 500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...), đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ…
Trên cơ sở đó, xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, phương án dự phòng nhiên liệu đảm bảo cho sản xuất khi có thiên tai xảy ra. “Tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng chống thiên tai, đặc biệt tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống đối với trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực” - Quyết định nêu rõ.
Xây dựng và triển khai phương án cung cấp điện cho các hoạt động phòng chống thiên tai ở Trung ương và địa phương. Chủ động làm việc với các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan tại địa phương và cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phối hợp PCTT&TKCN.
Đối với công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện, cần tăng cường công tác cảnh báo trước khi vận hành xả lũ, phát điện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du. Kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm. Lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du và biện pháp ứng phó khi xả lũ khẩn cấp. Theo đó, rà soát, triển khai thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, trong đó lưu ý công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ.
Chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo TW về PCTT, các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ/ đơn hồ.
Liên quan đến việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn giá trong mùa mưa bão, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước hướng dẫn, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai. Trên cơ sở báo cáo của địa phương gửi, Vụ Thị trường trong nước đã tổng hợp báo cáo và kế hoạch của các tỉnh về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu mùa bão lũ.
Công tác PCTT thường xuyên được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, Ngành và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, đã từng bước chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, việc phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành và các địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.