Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến nguồn cung dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt

16/08/2023 16:19 Nghiên cứu trong nước
Hội nhập kinh tế quốc tế làm cho các ngành kinh tế nước ta được thúc đẩy nhanh hơn, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên quá trình hội nhập cũng ảnh hưởng nhiều đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, ảnh hưởng đến dịch vụ nói chung và dịch vụ môi trường nói riêng.

Sự xuất hiện và tham gia thị trường dịch vụ Chất thải rắn sinh hoạt (gọi tắt là CTRSH) của doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp với phần lớn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã làm tăng quy mô và năng lực cung ứng của thị trường dịch vụ CTRSH, tạo cơ hội để tổ chức cung ứng dịch vụ CTRSH trong nước tiếp cận, học hỏi và đổi mới công nghệ, cụ thể như:

1) Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) do Công ty cổ phần môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư cho thấy nhà thầu đang rất khẩn trương để bắt tay vào vận hành thử nghiệm trong tháng 8-2023. Với công suất xử lý rác thải 500 tấn/ngày, đêm; công suất phát điện 11 MWh; xây dựng trên diện tích 4,834 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cho thị xã Quế Võ, thành phố Bắc Ninh và một số địa phương khác.

Hiện tại, tiến độ xây dựng đã đạt 93%, gồm: Hoàn thành xây dựng các công trình văn phòng điều hành, nhà kho chứa tro xỉ, xưởng hóa rắn tro xỉ, bể chứa nước sau xử lý, trạm bơm nước sông Cầu, ram dốc và sàn tập kết rác, phân xưởng xử lý rác, trạm xử lý nước thải, bể chứa nước cứu hỏa, trạm bơm cứu hỏa, cầu ống và hệ thống ống, ống khói, bồn dầu nhẹ, hệ thống tiếp địa, nhà điện & điều khiển trung tâm, tháp làm mát, trạm xử lý nước sạch, nhà nồi hơi-tuabin, khu xử lý khí thải và hạ tầng kỹ thuật, cổng, tường rào, nhà bảo vệ…; đang lắp đặt thiết bị và chạy thử các hạng mục phân xưởng xử lý rác, trạm xử lý nước thải, nhà điện & điều khiển trung tâm, tháp làm mát, nhà nồi hơi-tuabin, khu xử lý khí thải; tiếp nhận toàn bộ 9 gói thiết bị còn lại về Nhà máy.

2) Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện (còn gọi nhà máy điện rác Ngôi sao xanh-GCEP) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư, được xây dựng với công suất xử lý rác 800 tấn/ngày, công suất lò đốt 180 tấn/ngày (xử lý 100 tấn rác thải sinh hoạt và 80 tấn rác thải công nghiệp), công suất phát điện 6,1MW, theo công nghệ lò đốt rác tận thu nhiệt (kết hợp lò quay và ghi động) Hàn Quốc.

Tổng mức đầu tư khoảng 45 triệu USD, trong đó, đối với hạng mục lò đốt rác có tổng vốn đầu tư 32 triệu USD do liên doanh 2 công ty của Việt Nam và Hàn Quốc cùng hợp tác.

Đây là nhà máy đốt rác phát điện tư nhân tiên phong tại Việt Nam, là thành quả của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Ngôi sao xanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn Chosun Refractories ENG và Tập đoàn SK Ecoplant (Hàn Quốc) trong lĩnh vực phát triển công nghệ đốt rác phát điện và triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo trong đốt chất thải.

Việc vận hành nhà máy được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hình mẫu tiên phong trao đổi chứng chỉ carbon theo thỏa thuận Paris và thỏa thuận song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

3) Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội với dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ.

4) Nhà máy Điện rác Seraphin do Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường xanh Seraphin, đơn vị thành viên của Tập đoàn AMACCAO, làm chủ đầu tư nằm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, được khởi công ngày 30/3/2022. Theo thiết kế, nhà máy có công suất xử lý rác là 2.250 tấn/ngày đêm, công suất phát điện là 37MW, sau hoàn thành sẽ trở thành nhà máy điện rác lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Nhà máy này sử dụng công nghệ lò ghi cơ học Martin của Đức.

5) Dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang có tổng diện tích gần 66 nghìn m2 tại phường Đa Mai với công nghệ đồng bộ, tiên tiến, khép kín (áp dụng công nghệ châu Âu, đốt rác không qua phân loại để phát điện).

Phối cảnh Nhà máy xử lý rác phát điện của TP Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Phối cảnh Nhà máy xử lý rác phát điện của TP Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Công trình gồm các hạng mục: Khu điều hành, dịch vụ, tổng hợp; nhà máy; đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và giao thông. Dự kiến, nhà máy hoàn thành vào cuối năm 2024, có công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt không phân loại/ngày đêm. Công suất phát điện lên lưới điện quốc gia khoảng 12MW.

Nhà máy sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Bắc Giang và một một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tận dụng nguồn nhiệt đốt rác để phát điện góp phần giải quyết nhu cầu điện năng tại địa bàn.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 20% (khoảng 293,6 tỷ đồng), còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và vốn huy động hợp pháp khác.

Do hạn chế về quy mô vốn và công nghệ, doanh nghiệp trong nước cung ứng dịch vụ tái chế, xử lý CTRSH phải đối mặt với sức cạnh tranh từ các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện các dự án tái chế, xử lý CTRSH có quy mô lớn. Hoạt động tái chế, xử lý CTRSH là công đoạn cuối cùng của thị trường dịch vụ CTRSH, nó quyết định đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, công tác BVMT và giá trị kinh tế đóng góp cho Nhà nước; nếu các dự án tái chế, xử lý CTRSH được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, một mặt các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong nước sẽ mất thị phần hoạt động, mặt khác khiến thị trường dịch vụ CTRSH lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Đỗ Quý Thành
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động