Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến nhu cầu trong thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt

14/09/2023 00:00 Nghiên cứu trong nước
Chất thải rắn từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu để sản xuất chưa đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng tạo gánh nặng quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ sở xử lý chất thải rắn trong nước.
Hội nhập quốc tế sâu rộng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu dịch vụ môi trường
Hội nhập quốc tế sâu rộng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu dịch vụ môi trường

Gia tăng lượng chất thải rắn (CTR) từ nước ngoài vào Việt Nam, do áp lực từ chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu một số loại phế liệu, CTR để tái chế của Trung Quốc và một số nước trên thế giới, dẫn đến việc dịch chuyển lượng phế liệu vào khu vực ASEAN có xu hướng tăng dần, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và Báo cáo nhập khẩu phế liệu của các tỉnh, thành phố cho thấy, khối lượng nhập khẩu phế liệu nhựa năm 2020 là 468.300 tấn và năm 2021 là 742.800 tấn (lượng phế liệu nhựa nhập khẩu giảm mạnh trong năm 2020 và có xu hướng tăng trở lại trong năm 2021 do các hạn chế gây ra bởi dịch bệnh COVID-19). Dòng nhựa nội địa thường là từ nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc nguồn phế liệu nhựa được thu gom tại hộ gia đình, được cung cấp qua các đại lý hoặc công ty phế liệu..

Việc gia tăng nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất cũng góp phần làm gia tăng chất thải phát sinh từ lượng tạp chất đi kèm phế liệu trong quá trình sử dụng, tái chế phế liệu.

Phát sinh ngày càng nhiều chất thải nhựa trong CTRSH, việc phân loại, thu gom chất thải nhựa có thể tái chế thường mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Chất thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với CTRSH đã được thu gom; túi ni lông sử dụng thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng do giá trị thu hồi để tái chế thấp; tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni lông trung bình tại bãi chôn lấp CTRSH chiếm khoảng từ 6 - 8%. Với đặc điểm thời gian phân hủy lâu, tồn tại trong môi trường từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường biển do chất thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.

Theo nghiên cứu của WWF Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, có 76 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất (chủ yếu là PE, PET, PS, PVC và PP). Tổng lượng phế liệu nhựa được cấp phép nhập khẩu của 76 doanh nghiệp được cấp phép đạt trên 3 triệu tấn/năm; cộng thêm với tối đa 20% lượng nhựa phế liệu nội địa sẽ nâng tổng công suất tái chế phế liệu của các cơ sở chính quy nhập khẩu phế liệu lên đến khoảng 3,5 triệu tấn. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất khác sử dụng phế liệu nhựa nội địa với năng lực khoảng 1 triệu tấn.

So sánh với lượng tiêu thụ trung bình mỗi năm khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP (theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới), năng lực tái chế của khu vực chính quy của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp tái chế chính quy chỉ tập trung nhập khẩu nhựa và đón nhận một số dòng nhựa phế liệu nội địa sạch và dễ thu gom.

Đỗ Quý Thành
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động