Quản lý quy hoạch, tài nguyên, môi trường: địa phương làm tốt giảm tải nhiều áp lực cho cấp trên
Huyện Hải Hà nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí địa lý giáp thành phố Móng Cái, huyện Đầm Hà, Bình Liêu, huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 69.013 ha (bao gồm cả phần đất liền, biển và hải đảo).
Một góc thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà. |
Huyện Hải Hà là huyện được thành lập muộn của tỉnh Quảng Ninh nên ngay từ khi được thành lập công tác lập và quản lý quy hoạch đã được đề ra hết sức cụ thể và có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện được tập trung đầu tư, xây dựng quy hoạch theo đúng trình tự quy định từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết cũng như sự đấu nối, liên kết với nhau, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch trên địa bàn và các quy hoạch chiến lược cấp tỉnh. Trong nhiều năm qua, gắn liền với phát triển kinh tế huyện Hải Hà luôn quan tâm,
Làm tốt công tác quản lý quy hoạch
Đối với một huyện có đất liền, biển và hải đảo, việc quản lý quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo ra vị thế quan trọng trrong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Huyện đã hoàn thiện nhiều quy hoạch quan trọng, gồm các quy hoạch chiến lược, phân khu và quy hoạch chi tiết: Phối hợp với thành phố Móng Cái hoàn thành công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh lập Quy hoạch các phân khu xây dựng trên địa bàn huyện theo Quy hoạch điều chỉnh chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Phân khu xây dựng khu vực xã đảo Cái Chiên; Phân khu xây dựng khu Hải Hà 1 khu vực xã Quảng Phong và một phần thị trấn Quảng Hà; Phân khu xây dựng khu Hải Hà 2 khu vực xã Quảng Thành và xã Quảng Minh)... Huyện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết các dự án đã được bố trí vốn, như: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Quang Trung 1; Khu đô thị Quang Trung 2; Khu cửa khẩu Bắc Phong Sinh mở rộng; Điểm dừng nghỉ xe trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thuộc địa phận huyện Hải Hà; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 thị trấn Quảng Hà theo địa giới hành chính sau sáp nhập nhằm hoàn thiện các tiêu chí nâng loại đô thị, đáp ứng điều kiện theo Nghị quyết số 1211/NQ-UBTVQH (ngày 25/5/2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”; tổ chức lập Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050...
Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và đất đai, giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch được duyệt nhằm ngăn ngừa các trường hợp vi phạm về quy hoạch, xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại trong công tác lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn, nhất là khi độ phủ các quy hoạch tăng nhanh, xây dựng theo quy hoạch còn chậm do hạn chế nguồn lực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch; chủ tịch UBND các xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm và cương quyết trong công tác quản lý xây dựng, đất đai; việc phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm còn nửa vời, chưa triệt để.
So với các Huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Hà đã cơ bản thực hiện tốt quản lý quy hoạch, có chiến lược phát triển quy hoạch hài hòa gắn với phát triển kinh tế của huyện nói riêng và cả tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Công tác quản lý tài nguyên đất đai
Cùng với công tác lập và quản lý quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn mà không đủ điều kiện được xem xét gia hạn; các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoặc chậm thực hiện, vi phạm Luật Đất đai; kiểm soát chặt việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất theo thẩm quyền đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, tạm dừng việc tách thửa đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Đặc biệt, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa, đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, sang mục đích khác. Các địa phương có các dự án nằm trong vùng quy hoạch và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thường xuyên kiểm tra, thông báo đến từng hộ gia đình giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, xây dựng, lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trong vùng quy hoạch khi đã có thông báo thu hồi đất.
Đối với đất nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền, huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại 11 xã, thị trấn, đánh giá thực trạng giao, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền của UBND huyện đối với từng xã, thị trấn trên địa bàn; chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các dự án phát triển kinh tế- xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, lợi dụng các dự án phát triển kinh tế - xã hội để khai thác khoáng sản cát, đá, sỏi, đất sét, đất san nền trái phép...
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tập trung giải quyết các đơn thư tồn đọng và giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm, thu hồi và đề xuất thu hồi các cảng, bến, bãi tập kết trái phép, lấn chiếm, sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất.
Đến nay, huyện đã xử lý dứt điểm 19 bến bãi vật liệu trái phép và đề xuất cấp tạm 5 bến thủy nội địa, đình chỉ hoạt động các bến bãi không đủ điều kiện trên địa bàn; rà soát đối với 10 dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh.
Công tác bảo vệ môi trường
Huyện đã chủ động tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện mới môi trường. Thường xuyên chỉ đạo của huyện các xã, thị trấn thực hiện tốt phong trào “Ngày nghỉ cùng Nhân dân”, ra quân tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng, đường giao thông gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”. Chỉ đạo các lực lượng vũ trang của huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn nắm vững những biến động về môi trường trên địa bàn đóng quân. Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động môi trường phù hợp với đặc điểm, chức năng nhiệm vụ; làm tốt công tác chuẩn bị phòng, chống giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động bảo vệ môi trường. Duy trì tốt phong trào thi đua đường làng, ngõ xóm “Xanh - sạch - đẹp”. Thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy hải sản… Nghiên cứu ứng dụng mô hình thân thiện với môi trường, thu gom phân loại xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt… góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khỏe cho nhân dân.
Một số kết quả đạt được trong bảo vệ môi trường
Theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 35-40 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị khoảng 20-25 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 15-20 tấn/ngày, chủ yếu là rác thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Công tác thu gom rác thải được đảm bảo với hệ thống phương tiện chuyên dụng, thu gom từ 2-3 lần/ngày. Lượng chất thải rắn chủ yếu được xử lý theo hình thức đốt và chôn lấp ủ compost tại nhà máy của Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông (địa chỉ thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái), công suất xử lý trung bình 150 tấn rác/ngày đêm. UBND huyện còn đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2 lò đốt xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại xã đảo Cái Chiên và xã Đường Hoa.
Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, tăng cường triển khai mô hình vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình. Qua thực hiện điểm tại xã Quảng Long và xã Cái Chiên, đến nay có 250 hộ thực hiện có hiệu quả mô hình, đang tiếp tục được nhân rộng. Toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động rất hiệu quả hàng trăm mô hình nhân dân tự quản đoạn đường xanh, sạch, đẹp; mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại các xã. Qua đó, nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều hộ có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, giáo dục các thành viên trong gia đình tự giác làm vệ sinh nhà cửa, vườn tược, chuồng trại.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhằm cải thiện môi trường sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu, huyện Hải Hà đã tích cực trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Huyện đã phối hợp triển khai Dự án phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn các xã gồm Quảng Minh, Quảng Phong với diện tích 345ha, trong đó trồng mới 65ha, bảo vệ 280ha RNM hiện có, với các loại cây trang, đước, sú, vẹt. Cùng với các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Hải Hà, trong đó, diện tích rừng ngập mặn được trồng mới và trồng bổ sung trong rừng tự nhiên là 441,93ha. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư phát triển Tài Nguyên đầu tư trồng tại xã Quảng Phong hơn 200ha, hiện còn 190,58ha đang phát triển tốt với chiều cao từ 0,8-1m, mật độ từ 8.000- 9.000 cây/ha.
Đối với Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản đã có các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường hiện hành; được nghiệm thu hoàn thành và được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động xả thải trước khi được đi vào hoạt động chính thức.
Trạm xử lý nước thải tập trung của toàn bộ KCN Cảng biển Hải Hà |
Với những kết quả đạt được trong quản lý quy hoạch, đất đai và môi trường đã đạt được, Hải Hà đã vươn mình thành một trong những huyện kiểu mẫu, tiên tiến của tỉnh Quảng Ninh. Những đóng góp của huyện Hải Hà đóng góp không nhỏ trong sự phát triển chung của toàn tỉnh Quảng Ninh. Sự nỗ lực của huyện Hải Hà đã phần nào giảm tải áp lực đối với công tác quản lý quy hoạch, đất đai và môi trường của tỉnh Quảng Ninh./.