Quỹ bảo vệ môi trường “tắc” đầu ra
Đề xuất nâng mức vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam |
Ông Nguyễn Quang Hứa – Phó Giám đốc Công ty Phú Hưng (một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp vẫn chưa biết gì về quỹ này.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết gì về quỹ Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng. |
5 năm chỉ thu, không chi
Được biết, Quỹ bảo vệ môi trường TP. Hải Phòng chính thức hình thành vào tháng 7/2014 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, cấp trong vòng 5 năm. Qua nhiều năm huy động các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác và bổ sung từ phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản… hiện quỹ có vốn điều lệ là 43 tỷ đồng.
Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng và tài trợ kinh phí cho các tổ chức có chương trình, dự án cải tạo bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn TP. Hải Phòng. Tuy vậy nhưng sau 5 năm hoạt động vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay của quỹ.
Theo bà Đỗ Thị Hương – Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường, quỹ Bảo vệ môi trường có những quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay, cũng như những yêu cầu về tài sản bảo đảm. Theo quy định, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp và chỉ được vay 70% giá trị của tài sản thế chấp. Song hiện nay, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là đất đai, nhà xưởng nhưng phần lớn đã được các doanh nghiệp thế chấp vay vốn tại ngân hàng thương mại” - bà Hương phân tích.
“Để được vay vốn từ quỹ, dự án của doanh nghiệp phải thông qua Hội đồng quản lý quỹ phải xem xét, đánh giá sự cần thiết, mức độ hiệu quả, khả năng nhân rộng và khả năng hoàn vốn. Qua đó, Hội đồng quản lý mới quyết định hình thức, mức hỗ trợ tài chính… Nhiều doanh nghiệp xây dựng trong khu dân cư, không đúng quy hoạch nên quỹ không thể cho vay. Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp hạn chế, nên việc xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả” - bà Hương cho biết thêm.
Cũng theo bà Hương, ngoài việc cho vay, quỹ Bảo vệ môi trường còn có hoạt động hỗ trợ, tài trợ dự án liên quan bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn… Nhưng đến nay Quỹ Bảo vệ môi trường của TP. Hải Phòng vẫn chưa có quy định cụ thể về chi hỗ trợ. Kết quả là sau 5 năm thành lập, Quỹ Bảo vệ môi trường Hải Phòng mới chỉ có “thu” mà chưa có “chi”.
Gỡ vướng cách nào?
Trước những vướng mắc trên, ông Nguyễn Đình Chuyến – PCT UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của quỹ, xác định rõ những hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, giải quyết, hạn chế tình trạng “đọng vốn” hiện nay.
Đồng thời, yêu cầu Hội động quản lý quỹ tiến hành rà soát, phân loại các chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn có nhu cầu hỗ trợ tài chính từ quỹ trên cơ sở bảo đảm đáp ứng các tiêu chí: tính cần thiết, mức độ hiệu quả, tính phù hợp, khả năng nhân rộng trong xã hội và khả năng hoàn vốn, sau đó sẽ cân nhắc, quyết định hình thức hỗ trợ tài chính…
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Quỹ Bảo vệ môi trường để nhiều đơn vị kinh doanh tiếp cận.