Rà soát, đảm bảo tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật về môi trường

18/05/2023 10:30 Chính sách - Pháp luật
Trong lĩnh vực môi trường, pháp luật là công cụ quan trọng để quản lý môi trường, tạo ra sự phối hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc rà soát, đảm bảo tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và pháp về môi trường luôn là nhiện vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Giai đoạn 2016 - 2022 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, kiến nghị, nguyện vọng của Nhân dân, toàn ngành Tài nguyên và môi trường đã rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đúng vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, kiến tạo cho phát triển.

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo cần đặt trọng tâm là xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022). Thực hiện Kế hoạch được giao, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng, trình ban hành, ban hành các văn bản theo thẩm quyền.

Nhằm rà soát, đánh giá các kết quả đã được được cũng như định hướng chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng các văn bản pháp luật về môi trường, ngày 12/4/2023, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Vụ Môi trường về các nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi làm việc. Ảnh sưu tầm
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi làm việc. Ảnh sưu tầm

Tình hình xây dựng các văn bản pháp luật về môi trường quý I năm 2023

Vụ Môi trường được giao chủ trì xây dựng “Thông tư quy định về ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường”. Hiện nay, Vụ đã xây dựng dự thảo Thông tư và dự kiến trình Lãnh đạo Bộ xem xét.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường báo cáo tại cuộc họp. Ảnh sưu tầm
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường báo cáo tại cuộc họp. Ảnh sưu tầm

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/NĐ-CP, sau khi được Bộ trưởng giao chủ trì xây dựng, Vụ đã gửi công văn đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chuẩn bị nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định và cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Đồng thời, tổ chức các buổi họp, làm việc để trao đổi, đề xuất các nội dung cần sửa đổi thuộc phạm vi quản lý của Vụ Môi trường.

Đối với Quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vụ Môi trường hiện đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp văn bản đề xuất thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia và xây dựng Kế hoạch tổ chức họp Hội đồng thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ trong tháng 4. Trong quý I/2023, Vụ cũng đã nghiên cứu, có ý kiến thẩm định, góp ý với nội dung môi trường của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 27 địa phương; khoảng 10 Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành, Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Về công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tính từ 1/1/2023 đến nay, Vụ Môi trường tiếp nhận 296 hồ sơ đề nghị thẩm định. Trong đó, có 81 hồ sơ đã có Quyết định phê duyệt, 39 hồ sơ đã có văn bản thông báo kết quả họp Hội đồng, 72 hồ sơ xin rút, hoãn hoặc trả hồ sơ do không đủ điều kiện, 103 hồ sơ đang trong hạn xử lý, chỉ có 1 hồ sơ chậm tiến độ xử lý (chiếm tỷ lệ 0,3%).

Trong quý I/2023, Vụ Môi trường đã nhận được 323 Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM do UBND các tỉnh phê duyệt và đã tiến hành rà soát, cập nhật, theo dõi. Qua quá trình theo dõi, Vụ Môi trường nhận thấy một số quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM gửi về Bộ chỉ có Quyết định mà không có các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của Dự án ban hành kèm theo Quyết định. Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đầy đủ, Vụ Môi trường đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký Công văn số 2355/BTNMT-MT ngày 06/4/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị gửi các quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM do UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vụ cũng chủ trì, phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành công văn đôn đốc các địa phương tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Trong quý I/2023, Vụ tập trung hoàn thiện Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2022 phục vụ Kế hoạch giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai tổng hợp kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian qua, Vụ tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và triển khai công tác quy hoạch lãnh đạo trong đơn vị.

Các nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2023, Vụ Môi trường sẽ tập trung triển khai xây dựng Thông tư về ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08 và dự kiến cuối tháng 5 sẽ gửi xin ý kiến; tiếp tục phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hoàn thiện dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022; rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải để báo cáo Bộ có văn bản gửi Bộ Tài chính trong tháng 5/2023.

Vụ cũng sẽ triển khai các công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường và quy hoạch có liên quan đến môi trường. Trong đánh giá tác động môi trường, Vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng hướng dẫn kỹ thuật hiện có tốt nhất cho một số loại hình sản xuất tại Việt Nam, trước mắt trong năm 2023 tập trung điều tra, thống kê kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với loại hình sản xuất thép. Xây dựng kế hoạch tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các địa phương; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án đầu tư...

Trên cơ sở báo cáo các kết quả đã thực hiện trong quý I và ý kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận nỗ lực của Vụ Môi trường, khi vừa tổ chức lại công việc của một Vụ mới thành lập, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là công tác đánh giá môi trường. Trên phương diện các kết quả đã đạt được trong công tác quý I, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Môi trường cần tiếp tục chú trọng triển khai công tác đánh giá môi trường chiến lược. Trong đó, tổ chức xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá môi trường chiến lược; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Làm sao để việc đánh giá phải đảm bảo yêu cầu cả về tính pháp lý và tính kỹ thuật, thể hiện trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý lĩnh vực.

Việc xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT cần tập trung giải quyết các vấn đề đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Tư pháp chỉ ra, cùng với ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, cử tri. Các văn bản sửa đổi theo hướng dễ hiểu, thông thoáng cho việc thực hiện, gắn với chủ trương phân cấp phân quyền nếu có. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 đảm bảo ngắn gọn, chuẩn mực, chính xác...

Thứ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của Vụ Môi trường về việc xây dựng Quy chế phối hợp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các văn bản, triển khai các nhiệm vụ./.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động