Siết chặt quản lý chất thải để phòng, chống dịch Covid-19

08/04/2020 20:16 Quản lý nguồn thải
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo xử lý triệt để chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại địa phương.
Tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19
siet chat quan ly chat thai de phong chong dich covid 19
Tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ngày 7/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại văn bản này, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang có dịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 và các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường trong việc phòng chống dịch bệnh và xử lý chất thải.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm. Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định. Ưu tiên xử lý tại chỗ chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tại địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có thể xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý chất thải y tế, các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng và các loại khẩu trang đã qua sử dụng, thải bỏ. Chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm được xử lý tất cả tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Các địa phương cần đảm bảo kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt nói chung, đặc biệt là việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế (bao gồm cả trang thiết bị, vật tư đồ bảo hộ cho cán bộ thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế trong các cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung); kinh phí vận hành các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế, các khu vực cách ly tập trung; đảm bảo chất thải phải được xử lý an toàn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và hướng đến mục tiêu lâu dài trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động