Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Cổ phần hóa, thoái vốn là nhiệm vụ trọng tâm

06/11/2018 20:42 Tăng trưởng xanh
Sáng ngày 06/11/2018, Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của trên 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, các tổ chức tài chính – kinh tế; cơ quan nghiên cứu kinh tế - chính sách, các doanh nghiệp, trường đại học và đông đảo các chuyên gia, học giả uy tín trong nước.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Cổ phần hóa, thoái vốn là nhiệm vụ trọng tâm

Tới đây, phải thúc đẩy quá trình đổi mới, tái cơ cấu nhanh hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn liền với toàn bộ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khoá XII (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3/6/2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm phân bổ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để DNNN giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.”
Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế. Trong hơn 20 năm qua, số lượng DNNN từ 12.000 doanh nghiệp (những năm 90) đã giảm xuống còn gần 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn 500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.
Trong giai đoạn từ năm 2016 – tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN, trong đó đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty: Phát điện 3, Điện lực Dầu khí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn… và đã trở thành những điểm sáng khi số lượng cổ phiếu IPO đều bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 3 năm qua đã thu về gần 16.000 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách), với các thương vụ lớn như thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk….
Mặc dù vậy, công cuộc cải cách DNNN, nhất là cơ cấu lại, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang được giao và quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.
“Kết quả sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, sắp tới đây, phải thúc đẩy quá trình đổi mới, tái cơ cấu nhanh hơn, nâng cao hiệu quả hơn hoạt động của DNNN.”, ông Nguyễn Văn Hiếu.

 Ngọc Huyền
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động