Thái Bình: Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường

21/03/2024 08:54 Phát triển Công nghiệp môi trường
Xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu và phát triển kinh tế bền vững, những năm qua, Thái Bình đang áp dụng lồng ghép, thực hiện nội dung BVMT vào các nhiệm vụ quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hướng mục tiêu phát triển đô thị xanh - trong lành - đáng sống

Thái Bình: Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Khu đô thị xanh Dragon City Kỳ Đồng - thành phố Thái Bình

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 12 đô thị hiện hữu, nằm trong mạng lưới đô thị quốc gia, trong đó có 1 đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại II (thành phố Thái Bình). Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ ra 4 trụ cột tăng trưởng chính; trong đó, xây dựng các khu đô thị xanh, đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân. Phát triển thành phố Thái Bình và khu vực phụ cận có vai trò trung tâm, động lực phát triển và từng bước trở thành đô thị lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã có 9 đô thị được phê duyệt đồ án quy hoạch chung, các địa phương đang tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để bảo đảm các tiêu chí về đô thị. Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên.

BVMT phải đi trước, là mục tiêu phát triển

Thái Bình: Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Áp dụng công nghệ xử lý rác TTD-01 trong sản xuất nông nghiệp, Công ty Thành Đạt ( huyện quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường

Nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển đô thị, trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, công tác BVMT phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Vì vậy, từ quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung đều được thực hiện đồng bộ gắn với cam kết BVMT của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: Kiên định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với BVMT, Thái Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn công tác BVMT đã ban hành; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những nội dung hoặc văn bản không còn phù hợp với pháp luật và thực tế; cụ thể hóa kịp thời các chính sách, pháp luật mới ban hành vào thực tiễn của tỉnh; bảo đảm các văn bản được cụ thể hóa phù hợp với chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sát thực tế và khả thi. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác BVMT như quy hoạch, phát triển kinh tế gắn với BVMT, quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch đa dạng sinh học, kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải y tế...

Công tác BVMT được các ngành, các cấp và cộng đồng quan tâm; lồng ghép thực hiện các nội dung, nhiệm vụ BVMT vào trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; bố trí các dự án vào khu, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với tính chất, ngành nghề; hạn chế đầu tư dự án ngoài khu, cụm công nghiệp. Do vậy, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt, có sự cải thiện dần qua từng năm và so với giai đoạn trước, nhất là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom tại đô thị, nông thôn đạt yêu cầu, quy hoạch vị trí khu xử lý chất thải rắn thông thường tập trung của huyện, thành phố đã được xác lập và đưa vào quy hoạch sử dụng đất của huyện, thành phố giai đoạn 2021 – 2030.

Đến nay, 7/7 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 100%; 7/36 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung. 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là hội phụ nữ và lao động nhàn rỗi; tỷ lệ thu gom đạt 90 - 95%.

Nhiều giải pháp đồng bộ trong Quy hoạch tiếp tục có những cải cách, đổi mới, tiến bộ hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Đỗ Hiếu
Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động