Thừa Thiên Huế: Tăng cường năng lực xử lý nước thải cho Khu công nghiệp
Đầu tư hạ tầng thoát nước thải theo hướng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực tiếp nhận, xử lý nước thải công nghiệp các nhà máy, xí nghiệp là điều kiện cần và đủ để các địa phương có thể khai thác tiềm năng, lợi thế của mình. Trong xu thế Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi sản phẩm của doanh nghiệp phải thân thiện với môi trường cũng như môi trường sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của pháp luật trong nước cũng như hành lang pháp lý của các quốc gia trên thế giới.
Để tỉnh tiếp tục thu hút được đầu tư, cũng như nâng cao năng lực xử lý nước thải cho các Khu công nghiệp trên địa bàn, ngày 15/2/2024, tại thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế đã diễn ra lễ khởi công dự án Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex được Thủ tướng Chính phủ cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 2.614 tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 460,85 ha nằm trên địa bàn phường Phú Bài và xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy.
Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 11/2022, đến nay dự án đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 405 ha trên tổng diện tích 460,85 ha; cơ bản hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng đối với phần diện tích đất đã được nhà nước bàn giao đất tại Phân khu A của dự án.
Dự án Trạm xử lý nước thải có công suất 7.600 m3/ngày đêm; tổng mức đầu tư khoảng 130 tỷ; dự án dự kiến hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào vận hành cuối năm 2024. Đây là dự án quan trọng, tiền đề để đưa Khu công nghiệp Gilimex sớm đi vào hoạt động đồng bộ, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như mục tiêu đã đề ra.
Khởi công Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex |
Để triển khai hoàn thành xây dựng Trạm xử lý nước thải đúng kế hoạch, việc các chủ đầu tư và nhà thầu thi công cần tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, an toàn lao động, giữ gìn môi trường cảnh quan công trình, khu vực và cộng đồng bị tác động bởi dự án là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, việc cần tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ phần diện tích còn lại của dự án, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư sớm đầu tư dự án; thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự và tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành đúng kế hoạch cũng được tỉnh và chính quyền địa phương hết sức quan tâm và sẽ tích cực chỉ đạo sát sao để Dự án sớm đi vào hoạt động.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.