Tổng lượng nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt trên 21.800 m3/ngày/đêm

05/12/2023 07:16 Xử lý Nước thải
Để hoạt động sản xuất công nghiệp bền vững và tăng thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, trong đó có việc xử lý nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất.

Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phát triển KCN (gồm các KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Sơn Lôi, Thăng Long,Tam Dương I, Tam Dương II, Sông Lô I, Sông Lô II, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Nam Bình Xuyên, Lập Thạch I, Lập Thạch II, Phúc Yên, Chấn Hưng, Đồng Sóc) với tổng diện tích 5.487,31ha.

Tính đến hết tháng 11/2023, có 16 KCN đã thành lập và Quyết định chủ trương đầu tư (riêng KCN Phúc Yên chưa có chủ đầu tư dự án), trong đó có 08 KCN đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.093,85 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 2.262,12ha; diện tích đất đã BT GPMB và có thể cho thuê là 1.883,79 ha.

Tổng lượng nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt trên 21.800 m3/ngày/đêm
Tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khi đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tất cả các KCN khi đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các đơn vị chuyên trách công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động ở các khu công nghiệp để truyền các dữ liệu quan trắc tự động về các trung tâm kiểm soát tương đối ổn định và chính xác. Qua đó, giúp tỉnh dễ dàng quản lý và có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời đối với các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động liên quan đến công tác môi trường.

Theo thống kê của Phòng Quản lý Môi trường và Hỗ trợ, giám sát hoạt động đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc), hiện tổng lượng nước thải tại các KCN trên địa bàn đạt trên 21.800 m3/ngày/đêm. Công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các KCN luôn được các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng triển khai. Nhà đầu tư các KCN khi xây dựng hạ tầng cũng xác định hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn là một trong những hạng mục không thể thiếu.

Toàn bộ nước thải của các nhà máy trong KCN sau khi xử lý sơ bộ sẽ tiếp tục thu hồi về Trạm xử lý nước thải tập trung của các Công ty hạ tầng để tiếp tục xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A. Nhìn trung các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN đều xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải ra môi trường tiếp nhận.

Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A. Các cơ quan chuyên trách thường xuyên cử các phòng chuyên môn phối hợp với nhà đầu tư theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước sau khi xử lý, đảm bảo nguồn nước khi thải ra môi trường đảm bảo đạt chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam.

Các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải đối với các doanh nghiệp trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra định kỳ, lấy mẫu đột xuất, quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường do UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nâng cao vai trò trách nhiệm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ BVMT an toàn và phát triển bền vững.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động