Thúc đẩy hoạt động thương mại xanh
Định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại LHQ |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio 1992, cộng đồng quốc tế đã khẳng định sản xuất và SCP là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Kế hoạch hành động quốc tế về SCP tiếp tục được phát triển tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg vào năm 2002 đã xác định, thay đổi mô hình tiêu dùng như là một trong ba yếu tố chính để phát triển bền vững, cùng với hai yếu tố khác là xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên; đồng thời hội nghị kêu gọi xây dựng chương trình khung 10 năm về SCP, nhằm hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển dịch theo hướng SCP với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong khả năng cân bằng của các hệ sinh thái thông qua việc cải thiện hiệu quả, tính bền vững việc sử dụng các nguồn lực, quy trình sản xuất, giảm thiểu suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Tiêu dùng bền vững là yếu tố then chốt của mọi chương trình phát triển bền vững và hướng về tương lai. |
Ở Việt Nam, đánh giá kết quả gần 30 năm đổi mới cho thấy, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sự phát triển của nước ta trong thời kỳ này chủ yếu dựa vào việc mở rộng đầu tư sản xuất theo chiều rộng, trên cơ sở khai thác các tài nguyên thiên nhiên sẵn có; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác tới mức cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động. Chính vì vậy, phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam.
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QD-TTg về Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 đặt ra 13 nhiệm vụ, với 15 giải pháp tổng thể phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững cho ngành Công Thương. Các mục tiêu chủ yếu xung quanh các vấn đề như năng lượng sạch và bền vững; tăng trưởng kinh tế; tiêu dùng có trách nhiệm; tăng cường hợp tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững…
Trong hơn 3 năm qua, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ chương trình được giao.
Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì Chiến lược sản xuất sạch hơn và Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, kết quả được triển khai rộng khắp. Hiện cả nước có 47 trung tâm có hoạt động tư vấn, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; gần 500 chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn; 45 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn; khoảng 150 tỉ đồng đã được dành cho thực hiện các hoạt động sản xuất sạch hơn.
Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và SCP đã triển khai những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020, gồm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thúc đẩy thực hiện sản xuất và SCP; thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững. Bên cạnh đó là thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống xanh song song với thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Dù gặp nhiều khó khăn vướng mắc như thiếu kinh phí, chính sách cụ thể cho hoạt động sản xuất sạch hơn và SCP; hay những thách thức trong việc chuyển đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng hướng đến bền vững, nhưng Bộ Công Thương cũng đã thành lập Văn phòng về sản xuất sạch hơn và SCP, trung tâm sản xuất sạch hơn và có trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn và SCP.
Hình ảnh tại Hội nghị tham vấn Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030. |
Đến năm 2020, một số chương trình, chiến lược sẽ kết thúc, một số chương trình đã được ban hành mới như Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, mô hình sản xuất và SCP tiếp tục được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình nghị sự hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Nhằm khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý, hướng đến sản xuất sạch hơn; đồng thời định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến SCP tại Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và SCP giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.
Nếu được phê duyệt trong năm 2019, từ năm 2020 chương trình sẽ tác động trực tiếp đến các tổ chức thương mại, phân phối và người tiêu dùng theo hướng thương mại xanh, tiêu dùng xanh.
Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và SCP giai đoạn 2020 - 2030 đặt ra 6 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 50% số doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và 100% các nhà sản xuất xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và SCP giai đoạn 2020-2030 gồm 3 nhiệm vụ chính: 1) Sản xuất bền vững; 2) Tiêu thụ bền vững; 3) Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững cho các hành động của các bên liên quan. Sản xuất bền vững có hai lĩnh vực: quá trình sản xuất và sử dụng nguyên liệu bền vững và hệ thống phân phối sản phẩm bền vững. Tiêu thụ bền vững tập trung vào ba lĩnh vực: lối sống và SCP, sản phẩm xuất khẩu bền vững và sản phẩm nhập khẩu bền vững. Các hành động thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, gồm: Tăng cường năng lực thực hiện sản xuất và tiêu thụ bền vững, truyền thông về tiêu thụ và sản xuất bền vững, hợp tác quốc tế về tiêu thụ và sản xuất bền vững và chương trình về nghiên cứu và phát triển tiêu dùng và sản xuất bền vững. |
Tin khác
UBND tỉnh Bình Định ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh với Tập đoàn Vingroup
Liên đoàn Lao động các tỉnh Miền trung Tây nguyên và Miền Nam ký cam kết xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.