Tích cực thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải và chính sách pháp luật về môi trường
Tại cuộc họp, một số đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định nhằm cắt giảm đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề môi trường; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện, khắc phục một số lỗi kỹ thuật như rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về EPR; sửa đổi một số quy định về quản lý chất thải; sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn…; sửa đổi, bổ sung một số giải thích từ ngữ, lỗi kỹ thuật dẫn chiếu, thuật ngữ cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến môi trường...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ đạo tại cuộc họp |
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ về những nội dung đề xuất sửa đổi một số chính sách để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, như các hoạt động nhập khẩu phế liệu, hoạt động tái chế, xử lý chất thải, rác thải, nước thải…
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường còn bổ sung thêm các ý kiến nhằm tháo gỡ cơ bản vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy định EPR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm: các nhiệm vụ về kiện toàn, tổ chức họp Hội đồng EPR quốc gia, hoạt động của Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia; xây dựng, ban hành một số quy định chi tiết về thực hiện EPR; xây dựng cơ chế tài chính, công tác thanh tra kiểm tra; đề xuất thành lập khu công nghiệp tái chế tài nguyên giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai bên.
Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao trong việc xây dựng các chính sách pháp luật môi trường; bám sát ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện văn bản, chính sách. Với những ý kiến chưa thống nhất, cần tiếp tục báo cáo giải trình, làm rõ để đảm bảo hài hòa được các lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.