Tiền đề cho việc hình thành các chính sách về thị trường các-bon
Việt Nam tham gia Sáng kiến toàn cầu về định giá Các-bon và hợp tác thực hiện thị trường |
Hình ảnh tại Hội nghị tổng kết dự án VN-PMR |
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần so với mức đầu những năm 1990. Việt Nam có tổng mức phát thải khoảng 285 triệu tấn CO2 tương đương. Con số này, theo kịch bản phát thải thông thường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tính toán sẽ lên tới 927,9 tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật gửi đến Ban thư ký Công ước khung về biến đổi khí hậu hồi tháng 9 vừa qua, Việt Nam xác định sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm đến 27% khi có hỗ trợ của quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, nguồn lực tài chính cần có lên tới hàng chục tỷ USD. Một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt là định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, các cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.
Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VN-PMR) do Ngân hàng Thế giới tài trợ hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực, xây dựng và phổ biến các chính sách, các công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới. Dự án được bắt đầu năm 2015 và đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhằm đề xuất chính sách, công cụ quản lý nhà nước về thị trường các-bon, bao gồm cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống giao dịch phát thải (ETS), phí/Thuế các-bon và cơ chế chứng chỉ xanh. Đây cũng là các công cụ định giá các-bon với cách tiếp cận sử dụng các cơ chế thị trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Trong khuôn khổ hợp phần lĩnh vực quản lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng đã tính toán hiện trạng phát thải và đưa ra kịch bản phát thải đến năm 2030 cho 4 loại hình công nghệ xử lý, gồm: chôn lấp, ủ phân compots, đốt tiêu hủy, đốt phát điện với tiềm năng giảm khoảng hơn 42 triệu tấn CO2 tđ. Khung tạo tín chỉ các-bon có 2 cách tiếp cận chính. Tiếp cận ngành sẽ cải tiến, đầu tư mới công nghệ xử lý thay thế chôn lấp và tín chỉ do địa phương quyết định, trao cho cơ quan quản lý ở địa phương. Tiếp cận nâng cao theo hướng đầu tư công nghệ tránh phát thải khí CH4, cho phép các dự án đăng ký và tạo tín chỉ để bán, do nhà đầu tư quyết định và tín chỉ trao cho nhà đầu tư.
Thí điểm tín chỉ tiềm năng ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy, các dự án đốt phát điện đều khả thi. Ở Bình Dương đề xuất áp dụng thêm sản xuất phân compost. Bộ Xây dựng cũng đề xuất lộ trình thực hiện cơ chế tín chỉ với hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2021-2025) sẽ hoàn thiện việc thiết kế khung tín chỉ và tạo điều kiện thuận lợi về mặt phát triển pháp lý, sắp xếp thể chế và nâng cao năng lực. Tiếp tục thí điểm thêm 3-5 thành phố ngoài 3 địa phương trên. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng việc thực hiện cơ chế tín chỉ ở quy mô quốc gia.
Trong thời gian thực hiện dự án Việt Nam-PMR ở lĩnh vực sản xuất thép, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẵn sàng thực hiện các hoạt động nhằm tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội nghị tổng kết dự án VN-PMR, Bộ Kế hoạch & Đầu tư khuyến nghị nên lựa chọn định giá các-bon (từ năm 2026) kết hợp nền tảng trái phiếu xanh là hai cơ chế cốt lõi để huy động tài chính tư nhân cho Việt Nam. Cả hai cơ chế đều cho thấy tiềm năng đặc biệt về lực kéo và tăng trưởng ở Việt Nam.
Để có cơ sở cụ thể hóa việc hình thành thị trường các-bon theo Luật Bảo vệ môi trường, từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ việc đánh giá một cách toàn diện tác động đến kinh tế - xã hội – môi trường, cũng như hoạt động của doanh nghiệp; tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế. Những việc làm này giúp đảm bảo Việt Nam sẽ có một hệ thống tương đối toàn diện, bắt đầu từ các hoạt động thí điểm, tiến tới vận hành đầy đủ thị trường các-bon và kết nối với thị trường thế giới trong tương lai.