Tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên; môi trường biển đến năm 2010; tầm nhìn đến 2020”

27/03/2019 17:37 Tăng trưởng xanh
Sáng ngày 26/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” (Đề án 47), do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển Trần Hồng Hà chủ trì.

Tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên; môi trường biển đến năm 2010; tầm nhìn đến 2020”

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên; Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi;… cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các nhà quản lý.
Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 (Đề án 47) là một đề án lớn, mang tính tổng thể, toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển với sự tham gia triển khai của nhiều Bộ, ngành. Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.
Mục tiêu cụ thể là các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP…; chỉ số phát triển con người các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước...; tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới… Đồng thời, đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng, tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương… ; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
Một trong 07 giải pháp Nghị quyết đặt ra để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phải ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu. Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái… Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế.
Chính vì vậy, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển để rút ra các bài học kinh nghiệm và cùng nhau xác định các nhiệm vụ, đề án, mục tiêu trong giai đoạn mới, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Báo cáo tại Hội nghị về kết quả của Đề án 47, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như trước những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Chính phủ vẫn cân đối ngân sách bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung cho Đề án 47. Đến nay, đã hoàn thành 22/45 dự án và nghiệm thu cấp nhà nước; 17/45 dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện; 03/45 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí; 03/45 dự án dừng chưa triển khai.
Đến hết năm 2018, đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 53% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển. Nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao vào thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển. Sự đầu tư của nhà nước bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng về chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển; về điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên - môi trường biển; về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; về tăng cường năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển và về bảo vệ chủ quyền và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong thời gian tới Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tập trung xây dựng và triển khai theo các mục tiêu như: (i) Điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên biển và hải đảo với 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ 1:500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn một số khu vực trọng điểm; (ii) Đánh giá được hiện trạng, rủi ro môi trường và hệ sinh thái biển và hải đảo; thành lập được bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và sức chịu tải của hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ tối thiểu 1:500.000 khu vực biển ven bờ đến độ sâu 100m nước; xác định được những khu vực biển thuận lợi cho nhận chìm biển đối với các vật liệu khác nhau; (iii) Tăng cường công tác quản lý nhà nước và năng lực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; (iv) Thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển và hải đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

 Gia An
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động