Triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ
Chiều 10/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì cuộc họp nghe Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam báo cáo về Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2030 và tình hình triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Báo cáo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đo đạc và bản đồ, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, đến hết tháng 5/2019, Cục đã hoàn thành việc xây dựng trình các cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 27/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ; Quyết định số 415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ; Thông tư ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ phần đất liền thành phố Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Bình...
Bên cạnh đó, Cục đang tích cực xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, gửi đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc trực tiếp thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000 và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000;…
Đối với việc triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ, Cục đã tích cực xây dựng kế hoạch chi tiết về phổ biến, giáo dục pháp luật về đo đạc và bản đồ; biên soạn giáo trình, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đo đạc và Bản đồ, dịch sang tiếng Anh các văn bản Luật, Nghị định. Đặc biệt, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai và Bình Định tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Đo đạc và Bản đồ cũng như các văn bản quy định chi tiết Luật.
Thực hiện Quyết định số 818/QĐ-BTNMT ngày 03/4/2019 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; từ ngày 01/5/2019, Cục đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện 02 thủ tục hành chính liên quan tới cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng chương trình khung bồi dưỡng kiến thức hoạt động đo đạc và bản đồ trình Bộ thẩm định; hoàn thiện xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề trình Bộ thẩm định; trình Bộ ban hành văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị công bố điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ đối với nhà đầu tư nước ngoài và Quyết định công bố thủ tục hành chính cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ trong tháng 5 năm 2019. Cùng với đó, Cục đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và Bản đồ;…
Theo ông Phan Đức Hiếu, trong tháng 6 và các tháng cuối năm 2019, Cục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc trực tiếp thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000 và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; 02 Thông tư ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ phần đất liền tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình; 02 Thông tư ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên; Thông tư Quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc, thành lập bản đồ; Thông tư quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; Thông tư quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
Đối với việc triển khai xây dựng Chiến lược Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và Hạ tầng Dữ liệu không gian địa lý quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; ông Phan Đức Hiếu cho biết, Cục đã xây dựng và trình phê duyệt Dự án xây dựng chiến lược. Trong đó, tổ chức khảo sát về hiện trạng ngành Đo đạc và Bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý tại các Bộ, ngành, địa phương cũng như khảo sát học tập kinh nghiệm nước ngoài. Song song với đó, trong thời gian tới, Cục sẽ trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; phối hợp với các chuyên gia xây dựng đề cương Chiến lược; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040;…
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó tập trung đảm bảo việc hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ; việc đẩy mạnh triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; việc rà soát chức năng nhiệm vụ quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản đảm bảo tính thống nhất theo Luật Đo đạc và Bản đồ; …
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao nỗ lực, tinh thần chủ động, tích cực của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trong việc đảm bảo tiến độ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong thời gian qua, cũng như phối hợp hiệu quả với các đơn vị trong Bộ để triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2030.
Để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và Bản đồ trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực cho công tác này.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường rà soát các thủ tục hành chính, thực hiện công bố theo quy định đảm bảo việc công bố thủ tục hành chính được thông suốt, rõ ràng, đặc biệt là đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua hồ sơ điện tử trực tuyến.
Đối với nội dung liên quan tới cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cho các tổ chức cá nhân, Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai xây dựng chương trình khung bồi dưỡng kiến thức hoạt động đo đạc và bản đồ và ngân hàng câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ. Đánh giá cao việc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã tích cực xây dựng và trình phê duyệt Dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển Đo đạc và Bản đồ và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040”, Thứ trưởng đề nghị Cục cần đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ để tập trung xây dựng đề cương Chiến lược đảm bảo mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển ngành đo đạc và bản đồ tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới.