Trung tâm TP Cần Thơ ngập sâu vì triều cường lịch sử

12/10/2018 14:40 Tăng trưởng xanh
Nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm TP Cần Thơ bỗng… biến thành sông, ngập sâu khiến việc đi chuyển hàng hóa, mua bán, kinh doanh, đi lại, học hành của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Mực nước đỉnh triều trên các sông rạch TP Cần Thơ dao động 2,20 - 2,25m (cao hơn mức BĐ III: 0,30 - 0,35m). Sau khi đạt đỉnh, mực nước xuống dần nhưng vẫn cao trên BĐ III (1,90m) cho đến ngày 14-10.

Trung tâm TP Cần Thơ ngập sâu vì triều cường lịch sử

Nhiều người đưa trẻ đến tắm tại Bến Ninh Kiều, khu vực công viên trước đây là nơi tản bộ, tham quan.
Đến sáng 11-10, nhiều tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ vẫn tiếp tục bị “nhấn chìm”, ngập sâu bởi triều cường lịch sử. Do ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, mỗi ngày TP Cần Thơ bị nước “tiến công” vào lúc sáng sớm và chiều tối. Ghi nhận thực tế của phóng viên Nhân Dân điện tử cho thấy, các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Văn Linh (quận Cái Răng), Mậu Thân, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ nối dài; Trần Quang Diệu; Phạm Ngũ Lão, Cách Mạng Tháng 8; Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng; Hai Bà Trưng, 3 tháng 2 (quận Ninh Kiều) và một số tuyến đường khác đã bị ngập sâu do triều cường đạt đỉnh.
Đặc biệt, đường Hai Bà Trưng và khu vực Bến Ninh Kiều bị ngập rất sâu, từ 0,6m. Nếu không có hàng rào sắt làm ranh giới giữa khu vực bờ kè thì không thể phân biệt đâu là sông, đâu là đường phố. Nhiều người nhà gần khu vực này đã đưa con ra công viên Bến Ninh Kiều, vốn là điểm tản bộ, tham quan trước đây để… tắm sông. Nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán, du lịch ở khu vực này gần như tê liệt từ sáng sớm và chiều chạng vạng, thời điểm thủy triều bắt đầu xâm nhập vào TP Cần Thơ từ phía bờ sông.
Còn trong nội ô, tuyến đường Huỳnh Cương và một số tuyến nối quanh Hồ Xáng Thổi là điểm bị ngập sâu nhất. Kế đó là đường Lý Tự Trọng cũng bị ngập sâu từ 0,5m, có đoạn sâu hơn. Từ điểm đầu đường Lý Tự Trọng là công viên Lưu Hữu Phước chạy dài đến điểm cuối giao với đường Trần Hưng Đạo chẳng khác gì một con sông. Xe ô-tô, xe máy lưu thông liên tục tạo nên những đợt sóng triền miên đánh tạt vào hai bên lề đường, nhảy thẳng vào nhà dân. Với nhiều người sống bằng nghề mua gánh bán bưng trên vỉa hè, đường phố giờ không còn nơi để bày biện hàng quán. Những kệ, sạp được người dân kê lên tạm bợ trong “biển nước” để tiếp tục mưu sinh, dù cả buổi sáng chẳng được mấy người khách thèm để mắt.
“Bởi ai nấy bận kê cao, di dời đồ đạc, xây tường rào ngăn nước hết rồi, đường xá thì ngập lụt đâu ai còn thời gian đi chợ”, bà Hoa, một người bán rau ở chợ Xóm Chài, nói như tự an ủi chính mình.
Nhiều nhà hàng, quán ăn, cà-phê trên các tuyến đường Mậu Thân, đoạn từ ngã tư Mậu Thân - Trần Hưng Đạo đến tận ngã tư Mậu Thân - Võ Văn Kiệt phải đóng cửa để túc trực sẵn sàng… ứng phó với thủy triều. Mấy nhà nghỉ trên đường Phạm Ngũ Lão cũng “đuổi” khách không cho trọ qua đêm vì… nước ngập sâu, hễ xe ra vào là chết máy.
Để đối phó với triều cường, nhiều người dân đã phải dùng bao cát xây kè để ngăn không cho nước vào nhà. Ông Huỳnh Ngọc Liên, ở phường Xuân Khánh quả quyết: “Chưa bao giờ thấy triều cường cao như năm nay. Mặc dù đã dùng bao cát để chắn trước cửa nhà để nước không tràn vào nhưng không mấy hiệu quả vì nước cao hơn nền nhà từ 20 - 30 cm. Triều cường dâng cao đúng thời điểm người dân đi làm và đưa con đi học khiến giao thông đi lại gặp khó khăn, một số nút giao thông bị ùn tắc cục bộ. Ngoài ra, một số điểm nước ngập sâu xe bị chết máy, người dân phải dắt xe qua”.
Tại các điểm, tuyến đường bị ngập sâu, Công an TP Cần Thơ đã bố trí lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát giao thông túc trực bất kể từ lúc hừng đông và tận đêm tối để điều tiết giao thông và giúp đỡ người dân không may té ngã, xe chết máy vì nước ngập sâu. Hầu hết các nhân viên cảnh sát này đều phải “ngâm chân” trong nước trong suốt mấy tiếng đồng hồ từ khi nước bắt đầu tấn công vào đến lúc rút hết trở ra sông. Công việc của họ vất vả, cực nhọc nhưng vẫn luôn vui vẻ, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, dắt bộ xe qua đoạn nước, thậm chí sửa xe, nổ máy giúp nhiều người.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn TP Cần Thơ, mực nước trên sông Hậu và các kênh rạch trong TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng và biến đổi theo chế độ triều kết hợp lũ đầu nguồn sông Cửu Long đổ về nên sẽ lên nhanh và ở mức rất cao, vượt mức lịch sử những năm trước. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ dao động từ 2,20 - 2,25m, trên mức báo động III từ 30 - 35cm. Sau khi đạt đỉnh, mực nước xuống dần nhưng vẫn mức cao trên BĐ III (1,90m) cho đến ngày 14-10.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, nguyên nhân nước tấn công vào nội ô TP Cần Thơ là do hệ thống đê bao của chính địa phương này. Bởi hầu hết các quận, huyện quanh Thành phố đều có hệ thống đê bao khép kín ngăn lũ để làm lúa thâm canh ba vụ hoặc trồng vườn cây ăn trái trên đất lúa, nơi mà vốn dĩ dòng nước phải đổ về thì nay lại ngăn. Không còn đường đi thì nước tràn vào các thành phố, đô thị là điều tất yếu.
“Bây giờ, hệ thống sông của chúng ta không khác gì những chiếc máng xối, nghĩa là hai bên bờ sông là đường giao thông vừa có nhiệm vụ ngăn nước nên nước chỉ chảy trên sông không thể vào đồng ruộng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do nước biển dâng và sụt lún. Tốc độ sụt lún tại các đô thị lớn, như trung tâm TP Cần Thơ sẽ cao hơn, nhanh hơn so vùng nông thôn vì tỷ lệ thuận với tải trọng của các công trình trên mặt đất”.

Nhiều tuyến đường nội ô trung tâm TP Cần Thơ bị ngập sâu vì triều cường lịch sử, các phương tiện di chuyển khó khăn, gây ùn tắc cục bộ.


Nhiều nhân viên cảnh sát túc trực trên các con đường ngập nước để giúp đỡ người dân.


Nước tiến công vào nội ô TP Cần Thơ gây khó khăn cho việc tới trường của học sinh.


Việc buôn bán cũng bị ảnh hưởng, vắng khách.


Nhiều nhà phải dùng bao cát xây kè chắn nước và bơm nước ra.


Di chuyển người già ra khỏi vùng bị ngập sâu do vỡ đê ở Cồn Khương.

 Theo Nhandan.com
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động