UBND tỉnh Lâm Đồng chưa "công bằng" trong xử phạt vi phạm hành chính

24/05/2023 09:36 Chính sách - Pháp luật
Đó là những gì đang được đặt ra khi so sánh những tình huống xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng với một số công ty khi có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ưu ái cho "doanh nghiệp Sữa"

Cụ thể, trong năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (chủ đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa Dalatmilk tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) vì đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường và Tài nguyên nước.

Trong đó, có hành vi vi phạm hành chính mà UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt Công ty cổ phần sữa Đà Lạt như: Không xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tại 03 Trại chăn nuôi như cam kết tại Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt. Được quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Theo quy định được ban hành trong Nghị định 155 thì với hành vi vi phạm tại điểm đ, khoản 3, Điều 16 sẽ áp dụng hình thức phạt bổ sung là: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng.

Tuy nhiên, trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Công ty sữa Đà Lạt lại không áp dụng hình thức phạt bổ sung.

UBND tỉnh Lâm Đồng chưa
Hành vi vi phạm hành chính của Công ty cổ phần sữa Đà Lạt và hình thức, mức xử phạt được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra

Trả lời câu hỏi của Tạp chí Công nghiệp môi trường, ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Hoạt động chăn nuôi tại 03 Trại chăn nuôi của Dự án có phát sinh nước thải chăn nuôi nhưng thực tế qua kiểm tra hoạt động chưa gây ô nhiễm môi trường trong và ngoài khu vực dự án (do nước thải chăn nuôi đơn vị đã sử dụng để tưới cây trồng trong trang trại). Mặt khác, tại thời điểm xử phạt đối với Công ty sữa Đà Lạt thì trong 03 Trại chăn nuôi của Dự án có số lượng đầu gia súc là 1.500 con bò sữa; trường hợp đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tức là đình chỉ hoạt động chăn nuôi của Công ty dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ đó có thể thấy, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đã “ưu ái” đối với Công ty sữa Đà Lạt khi không áp dụng đủ các điều khoản được quy định tại Nghị định 155.

Hơn nữa, lý giải của ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không hoàn toàn thuyết phục khi những hành vi vi phạm của Công ty sữa Đà Lạt còn có như: Xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; không thực hiện biện pháp chống thấm tại các hồ chứa nước thải chăn nuôi. Trong khi nước dùng để tưới cây trong trang trại chăn nuôi bò sữa là nước phải đảm bảo yêu cầu để không ảnh hưởng đến chất lượng bò sữa cũng như chất lượng sữa được tạo ra.

Thượng tôn pháp luật với doanh nghiệp "Thủy điện"

Như Tạp chí đã đưa tin, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh này yêu cầu: Áp dụng đầy đủ hình thức xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô tại hai công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

UBND tỉnh Lâm Đồng chưa
Công văn UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Công Thương áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô.

Cụ thể, Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô có hành vi vi phạm khi: Đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vi phạm vào điểm đ, khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước và buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phần công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô, tuy nhiên UBND tỉnh Lâm Đồng đã không đồng ý và yêu cầu Sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt theo quy định. Từ đó Sở Công Thương cần xác định số lợi bất chính trong quá trình vận hành hai nhà máy thủy điện này từ năm 2016 đến 30/4/2023 là bao nhiêu để có con số cụ thể trong việc xử phạt.

Ở diễn biến khác, trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty cổ phần sữa Đà Lạt phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải để thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi các Trại chăn nuôi trước ngày 31/12/2021. Tuy nhiên ngày 04/01/2022 UBND tỉnh Lâm Đồng lại ban hành Quyết định: Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nhà máy chế biến sữa tại các xã Tu Tra và Đạ Ròn. Trong đó Quyết định này thay thế Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1009 trước đây cấp cho công ty.

Vậy Công ty cổ phần sữa Đà Lạt đã thực hiện việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng hay chưa? Nước thải dùng để tưới cây trong trang trại như ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời Tạp chí có đủ sạch theo tiêu chuẩn như Tập đoàn TH Trumilk đề ra không?...

Có thể thấy, với hai trường hợp cụ thể này, là Công ty cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam - Krông Nô thì UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những động thái khác nhau trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Hơn nữa, những hành vi vi phạm của Công ty cổ phần sữa Đà Lạt như trả lời Tạp chí của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thì là những hành vi có tính chủ đích, được thực hiện trong thời gian dài từ 2016 đến khi bị xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện các báo cáo theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên khi xử phạt lại không áp dụng đủ các điều, khoản được quy định tại Nghị định 155.

Với việc không “công bằng” trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng có tạo ra tiền lệ xấu và những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của tỉnh và thiếu tính thượng tôn pháp luật?./.

Tạp chí Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động