Việt Nam cam kết cùng thế giới phát triển kinh tế xanh bền vững

27/09/2019 09:50 Tăng trưởng xanh
Trong năm 2020, nhiều hiệp ước quốc tế, bao gồm: Mục tiêu phát triển bền vững, Công ước tự nhiên và Hiệp định khí hậu, sẽ được đàm phán lại. Đây chính là thời khắc quan trọng để các nhà lãnh đạo trên thế giới coi phát triển bền vững là trọng tâm của phát triển chính trị, kinh tế và xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại LHQ

Tăng cường nỗ lực đa phương

Hành tinh của chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng. Kể từ năm 1970, quần thể các loài hoang dã đã giảm khoảng 60%. Trong khi đó, tác động của con người và sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Những hậu quả con người đang phải hứng chịu từ thiên nhiên đó là lũ lụt, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Các bằng chứng khoa học cảnh báo rằng, nếu không có những hành động khẩn cấp, những hậu quả này sẽ ngày càng xấu đi.

Tháng 9 hằng năm, các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) để thảo luận về những vấn đề quan trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng LHQ và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) tại New York, Mỹ diễn ra từ ngày 26-29/9.

Chủ đề của phiên thảo luận năm nay là "Tăng cường các nỗ lực đa phương để xóa nghèo - giáo dục chất lượng - hành động và hợp tác về khí hậu". Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận hàng loạt vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế cũng như vấn đề kinh tế, thương mại và phát triển toàn cầu; đồng thời kêu gọi các nước hãy tăng cường các cam kết giảm ô nhiễm rác thải nhựa, tiêu thụ và sản xuất lương thực bền vững, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển xanh.

viet nam cam ket cung the gioi phat trien kinh te xanh ben vung
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu khai mạc cuộc tranh luận chung về phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng. (Nguồn: UN Media)

Trước kỳ họp Đại Hội đồng LHQ lần thứ 74 này đã diễn ra sự kiện Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người do WWF và các đối tác tổ chức với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, chính phủ các nước, các thành viên hoàng gia, các nhân vật công chúng có tầm ảnh hưởng lớn. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận và lên tiếng ủng hộ cho Bản Tuyên bố về thiên nhiên và con người trong năm 2020. Sự kiện cũng là dịp để họ thể hiện sự cam kết của quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề khẩn cấp mà thế giới đang phải đối mặt, như đổi mới cam kết dành cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). WWF và các tổ chức khác kêu gọi hình thành một thoả thuận mới cho thiên nhiên và con người, trong đó mọi nỗ lực sẽ tập trung vào đảm bảo an toàn cho tương lai của nhân loại; đồng thời kêu gọi sự cam kết mạnh mẽ của các nguyên thủ quốc gia trong việc củng cố các mục tiêu toàn cầu cũng như các cơ chế nhằm đảo ngược sự mất mát của tự nhiên vào năm 2030.

Để đạt được điều này, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cần hợp tác chặt chẽ với nhau, nâng cao tham vọng của mình đối với các Mục SDGs và Thoả thuận Paris. WWF kêu gọi các bộ trưởng, trong quá trình đưa ra những quyết định quan trọng, hãy tăng cường các cam kết của họ trong các lĩnh vực ô nhiễm rác thải nhựa, tiêu thụ và sản xuất lương thực bền vững, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển bền vững.

Cam kết của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu - một yếu tố khiến cho các mối đe doạ đối với môi trường Việt Nam như mất sinh cảnh, mất đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên không bền vững... ngày càng trầm trọng. Những tác động của biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ nét như hiện nay, cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ trước nhiều thách thức, quan hệ với các nước, đặc biệt các nước lớn, tiếp tục mở rộng và đi sâu vào chiều sâu thực chất, hiệu quả. Cộng đồng quốc tế và LHQ đánh giá cao vai trò, đóng góp, sự tham gia có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, các nỗ lực hợp tác chung nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Việt Nam tiếp tục khẳng định với cộng đồng quốc tế cam kết của Việt Nam đổi mới toàn diện, khẳng định là thành viên chủ động, có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế.

Trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển".

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động