Vinaconex sau nửa năm thoái vốn nhà nước, dưới quyền kiểm soát của tư nhân
Giá cổ phiếu cao hơn
Tháng 12/2018, chứng kiến việc đổi chủ của Vinaconex khi các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lần lượt bán hết cổ phần đang nắm giữ tại Vinaconex.
Đáng chú ý là phiên đấu giá lô cổ phiếu mà SCIC nắm giữ, với gần 255 triệu cổ phần, tương ứng 57,7% vốn điều lệ của Vinaconex. Công ty TNHH An Quý Hưng hay nói chính xác hơn là nhóm nhà đầu tư đứng sau pháp nhân này (bản thân những người trong cuộc cũng đã xác nhận rằng An Quý Hưng chỉ là cái tên ra mặt cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân ) đã trúng đấu giá với mức giá cao ngất, cao hơn giá thị trường khoảng 50% và cao hơn mức giá khởi điểm khoảng 35%. Cú ra giá này cho thấy, nhóm cổ đông này quyết tâm thâu tóm Vinaconex “bằng mọi giá”.
Vinaconex sau nửa năm thoái vốn nhà nước - ảnh minh họa. |
Nhóm cổ đông An Quý Hưng đã thông qua HĐQT cũ để đề cử và chiếm tới 5/7 vị trí trong HĐQT mới, để quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng của Vinaconex. Minh chứng rõ nhất là HĐQT mới của Vinaconex đã từng bước thực hiện “cải tổ” TCT bằng việc ban hành nhiều chính sách mới cũng như thay đổi nhân sự ở hầu hết các vị trí quan trọng của hàng chục công ty con. Bên cạnh đó, với dàn lãnh đạo mới, Vinaconex công bố những chiến lược để đưa công ty lọt vào “top 3” doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam cũng như thực hiện những dự án bất động sản quan trọng.
Chưa rõ những chính sách và chiến lược của Vinaconex dưới thời lãnh đạo mới toàn người của An Quý Hưng sẽ đi đến đâu nhưng khi nhìn vào chỉ số giá cổ phiếu thì đang duy trì ở mặt bằng cao hơn trước đây. Cụ thể, giá cổ phiếu của Vinaconex liên tục tăng. Trong đó, từ 7/12/2018 đến 7/1/2019, giá cổ phiếu VCG tăng từ 19.600 đồng lên 22.100 đồng/cổ phiếu; đến 11/2 thì đạt mức 24.500 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng trong tháng 3/2019 bằng việc lập đỉnh với mức giá 29.100 đồng/cổ phiếu.
Ngay cả khi “khủng hoảng” vì bị cổ đông kiện ra tòa, đề nghị hủy Nghị quyết ngày 11/1/2019 của Đại hội đồng cổ đông, giá cổ phiếu VCG vẫn cao ngất ngưởng quanh mốc 28.000 đồng/cổ phiếu. Cho đến nay, cổ phiếu VCG có lúc tăng, lúc giảm nhưng giá giao dịch vẫn đang xoay quanh mốc 27.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, so với hơn nửa năm trước khi Vinaconex còn là doanh nghiệp mà cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối thì giá cổ phiếu VGC trên thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, dù chưa đạt mức giá trúng đấu giá, làm cho vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, với việc Vinaconex đang nắm giữ những nguồn lực quan trọng để tăng tốc và đột phá nên khi chuyển chủ sở hữu sang khối tư nhân.
Sự đi xuống của lĩnh vực “lõi” và câu chuyện “bẻ lái” về hướng kinh doanh.
Thoạt nhìn, sau nửa năm dưới sự điều hành của tư nhân, hiệu quả kinh doanh của Vinaconex có vẻ như được cải thiện với mức lãi ròng luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 303,6 tỉ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nếu đi sâu phân tích thì bức tranh tài chính bán niên của VCG không chỉ nhuốm màu lạc quan. Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của 6 tháng đầu năm của VCG đạt 3.957 tỉ đồng, bằng 39,18% kế hoạch doanh thu hợp nhất của năm 2019, giảm 4,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu xây lắp hợp nhất chỉ đạt 2,142 tỉ đồng, giảm mạnh 21,34% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính riêng còn đem đến những dữ liệu suy thoái sâu hơn nữa về doanh thu. Theo đó, tổng doanh thu thuần lũy kế của Công ty mẹ đến cuối Quý 2 đạt 978 tỉ đồng, chỉ đạt 27,17% kế hoạch doanh thu của cả năm 2019. Nguyên nhân chính vẫn đến từ sự suy thoái của lĩnh vực lõi – xây lắp. Cụ thể, doanh thu xây lắp của công ty mẹ chỉ đạt 662 tỉ đồng, giảm 14,36% so với cùng kỳ năm trước.
Lịch sử giá cổ phiếu VCG tháng 7/2019 |
Qua đó, có thể thấy khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đang không ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh của tỷ suất lợi nhuận của mảng xây lắp. Mà nhắc lại rằng, Vinaconex vốn có thế mạnh truyền thống trong lĩnh vực xây lắp, là công ty đi tiên phong trong ngành xây lắp ở khu vực phía Bắc kể từ khi thành lập.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra hôm 28/6 vừa rồi, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh từng khẳng định với các cổ đông, rằng Vinaconex đang chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực bất động sản. Và điều này phần nào được phản ánh trong sự tăng trưởng doanh thu bất động sản so với cùng kỳ, tuy rất khiêm tốn về giá trị tuyệt đối (tăng 37% lên 698 tỉ đồng). Ngoài ra, doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 22% lên 544 tỉ đồng và hoạt động khác ghi nhận mức tăng trưởng 20%, đạt 576 tỉ đồng.
Có thể thấy khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đang không ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh của tỷ suất lợi nhuận của mảng xây lắp.
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi có “nghề”, có nguồn vốn lớn, cần có quỹ đất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro có thể cao hoặc phát sinh lỗ, lợi nhuận không ổn định nếu không có chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Trong khi đó, hoạt động xây lắp là thế mạnh truyền thống của Vinaconex dường như bị coi nhẹ. Đặc biệt, mâu thuẫn nội bộ liên quan đến quản trị điều hành vẫn chưa có hồi kết.
Trước khi cổ đông An Quý Hưng thay thế SCIC, do cổ đông là các doanh nghiệp Nhà nước gần như kiểm soát tuyệt đối mọi hoạt động của Tổng công ty. Sau khi Nhà nước rút hết vốn, cơ cấu cổ đông đã thay đổi, trong đó cổ đông An Quý Hưng chiếm tới 57,7% vốn điều lệ và Hai cổ đông khác là Cường Vũ và Star Invest nắm giữ khoảng 29% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư chứng khoán.
Song, thực tế thì cổ đông An Quý Hưng đang kiểm soát toàn bộ công ty. Bởi lẽ, với 57,7% vốn điều lệ, tiếng nói của An Quý Hưng tại Đại hội đồng cổ đông có tính quyết định, bất chấp các ý kiến xây dựng của các cổ đông khác. nBên cạnh đó, với HĐQT có 5/7 thành viên là đại diện của cổ đông An Quý Hưng, có thể hiểu được rằng những quyết định của công ty đều do người của An Quý Hưng định đoạt.
Sự chi phối tuyệt đối của cổ đông lớn đối với Tổng công ty khó tranh khỏi sự “tự tung, tự tác”. Thực tế cho thấy, tỉ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề của Vinaconex luôn ở mức thấp, do không có sự đồng thuận giữa các cổ đông.
Điển hình là việc, sau khi được bầu thì HĐQT mới của Vinaconex ban hành liền 2 quy chế quan trọng là quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính. Theo đó, hai quy chế này cho phép cá nhân Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được quyết định đầu tư các dự án có giá trị đầu tư, quyết toán lên đến 1.000 tỉ đồng, bất chấp sự phản đối của các cổ đông khác vì có thể gây rủi ro, thiệt hại cho Tổng Công ty.
Ngoài ra, chủ trương vay ngân hàng 300 tỉ đồng để tạm ứng cổ tức, dùng 714 tỉ đồng quỹ đầu tư phát triển mua cổ phiếu quỹ, thành lập và góp 400 tỉ đồng vào CTCP Trường cùng quyết định “thay máu” hàng loạt nhân sự dày kinh nghiệm tại công ty mẹ Vinaconex và cử “người của An Quý Hưng” đến tiếp quản hàng loạt công ty con nòng cốt, được cho khả năng gây phương hại tới lợi ích ổn định của doanh nghiệp, cũng như của các cổ đông khác.
Cởi bỏ chiếc áo Nhà nước, về với các ông chủ tư nhân trong bối cảnh 1 nhóm cổ đông chi phối hoàn toàn hoạt động của công ty đang trái với thông lệ quản trị công ty niêm yết. ĐHCĐ vừa tổ chức đã gây thất vọng lớn cho giới đầu tư về cách thức điều hành của những ông chủ mới mà cụ thể từ nhóm cổ đông An Quý Hưng với những thông tin không mấy tích cực về tình trạng tài chính của doanh nghiệp này, . Mảng xây lắp đang dần yếu thế, mảng bất động sản đầy cạnh tranh . Phía trước của Vinaconex dường như hứa hẹn một tương lai bất định.