Vĩnh Phúc: Khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường

02/06/2023 14:48 Tác động môi trường
Những ngày gần đây, việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tình trạng này khiến bụi bủa vây trên diện rộng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người điều khiển phương tiện giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do hạn chế tầm nhìn.
Vĩnh Phúc: Khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường

Tình trạng đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa

Tình trạng nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa Xuân gây khói bụi đang diễn ra khá phổ biến dọc các tuyến đường tới các địa phương của huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo... Theo các nông dân, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhất là khi trời nắng dễ dàng cho việc phơi thóc, phơi rơm, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch 29.000 ha lúa vụ Xuân 2023. Việc thu hoạch lúa hiện nay, phần lớn đều được cơ giới hóa nên tiến độ thu hoạch rất nhanh chóng. Phần lớn lượng rơm rạ sau gặt, nông dân để lại ruộng tạo chất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng đất canh tác. Tuy nhiên, ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn không ít hộ dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, gây khói bụi.

Hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa và làm đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được nhân rộng, phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Để gieo cấy vụ mùa kế tiếp (từ tháng 6/2023 trở đi), nếu để nguyên rơm rạ sẽ khó khăn hơn cho công đoạn làm đất (cày hoặc bừa). Để thuận lợi cho việc làm đất gieo trồng, bà con đốt rơm rạ khiến khói bụi trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường.

Khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân thu gom rơm làm thức ăn cho trâu, bò, tận dụng rơm rạ để làm nấm ăn và đặc biệt xử lý tại ruộng thông qua cày, bừa, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa. Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; tập huấn quy trình kỹ thuật, triển khai mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ mùa với tổng diện tích 5.000 ha. Trong đó, hai huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm Yên Lạc và Vĩnh Tường, mỗi địa phương được hỗ trợ 1.000 ha; các huyện Bình Xuyên, Sông Lô, Tam Đảo được hỗ trợ 500 ha; Lập Thạch 750 ha; Tam Dương 550 ha; thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Yên mỗi địa phương 100 ha. Trước đó, vụ mùa năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cũng triển khai hỗ trợ chế phẩm vi sinh Lacto Powder T xử lý gốc rạ thành phân bón hữu cơ trên cây lúa cho 45 xã, phường, thị trấn tham gia mô hình với quy mô 2.000 ha.

Theo Trung tâm Khuyến nông, quá trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh đơn giản, dễ thực hiện, thời gian xử lý ngắn, đáp ứng yêu cầu thời vụ, đồng thời, hoàn trả lại nguồn hữu cơ cho đất, tăng năng suất lúa, bảo vệ và cải tạo môi trường đất. Qua đó, hình thành phương thức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ./.

TA
Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động