Vĩnh Phúc: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường
Vĩnh Phúc - không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường |
Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, Vĩnh Phúc đã xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường sống Xanh - Sạch - Đẹp cho nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng bộ, chính quyền đưa vào trong các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch hành động hàng năm và có nhiều biện pháp giám sát thực hiện nghiêm túc.
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chất lượng cao với năng lực sản xuất các sản phẩm công nghệ, thiết bị được đánh giá hàng đầu trên cả nước, Vĩnh Phúc đã tập trung các nguồn lực đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ cho bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những hướng đi trong chính sách phát triển ngành Công nghiệp môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến hoàn thành “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐTTg ngày 13/02/2017.
Những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều quyết sách hợp lý trong tích cực phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Có thể nhận thấy, trong những quyết sách đó, việc ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiếp kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường luôn là giải pháp hàng đầu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp
Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng xử lý phụ phẩm nông nghiệp được triển khai, không chỉ nâng cao giá trị gia tăng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Tiêu biểu là công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản; sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải…
Nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động đầu tư, học hỏi và mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, tận dụng tối đa nguồn chất thải phát sinh chuyển thành nguyên liệu sản xuất. Có thể kể đến mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà của Hợp tác xã Tài Yên, huyện Tam Dương. Sau khi đưa mô hình vào hoat động, công nghệ xử lý chất thải sau chăn nuôi đã mang lại cho Hợp tác xã không chỉ có doanh thu hơn 400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động mà còn góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của Hợp tác xã. Mô hình của Hợp tác xã đã và đang là một điển hình trong sản xuất được bà con nhân dân trên địa bàn huyện Tam Dương nghiên cứu, học tập và triển khai.
Trong lĩnh vực công nghiệp
Sự hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Xuất phát từ thực trạng đó, Vĩnh Phúc đã có nhiều chiến lược, chính sách cụ thể để hướng tới phát triển công nghiệp xanh, bền vững; tập trung nguồn lực để thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; tiến tới loại bỏ các dự án kém chất lượng, có tác động xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung và ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường nói riêng.
Dưới sự quyết liệt trong chỉ đạo các hoạt động bảo vệ môi trường. đến nay các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trang bị các hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày đêm. 6 khu công nghiệp đã có hệ thống quan trắc tự động liên tục, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc triển khai lấy mẫu, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kiểm soát các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để giảm thiểu ô nhiễm môi trường được cải thiện rõ rệt; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các khu công nghiệp đã cơ bản giải quyết bài toán về môi trường trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, hằng năm, Sở Công Thương đều triển khai chương trình hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Trong quản lý chất thải
Tỉnh cũng quan tâm đến triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường thông quan các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải y tế, rác thải sinh hoạt. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ AAO để xử lý nước thải y tế; xây dựng lò đốt công nghệ hiện đại của Nhật Bản để xử lý chất thải rắn y tế.
Các dự án lò đốt rác công nghệ hiện đại dần được đưa vào triển khai |
Đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao như ủ sinh học bằng chế phẩm vi sinh; đốt bằng lò đốt rác với công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động; tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc phân tích môi trường. Theo đó, các dữ liệu về các thông số không khí, nước được quan trắc tự động liên tục và truyền về trung tâm giám sát, giúp kiểm soát tốt các nguồn phát thải.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Nhìn chung, các sáng kiến, phát minh, đề tài khoa học cấp tỉnh về lĩnh vực bảo vệ môi trường còn khiêm tốn; tính ứng dụng chưa cao. Việc đầu tư, ứng dụng máy móc, trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường chưa thực sự đi vào chiều sâu.
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ với môi trường; triển khai cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiến tiến trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.