Xây dựng Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường không khí |
Chỉ thị ra đời kỳ vọng sẽ thúc đẩy các các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn có nguy cơ cao ô nhiễm không khí xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; ưu tiên việc kiểm kê nguồn phát thải, quan trắc, phân tích, đánh giá nguồn ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), thực hiện các giải pháp kiểm soát, khắc phục; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư, lắp đặt bổ sung, tăng cường số lượng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục để cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời về chất lượng môi trường không khí. Thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống để cung cấp thông tin cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, để giảm thiểu ô nhiễm không khí. |
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng sẽ thúc đẩy việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát, không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Điều tiết, phân luồng giao thông để hạn chế tình trạng ùn tắc gây ô nhiễm môi trường; Duy trì thường xuyên việc thu gom rác, bụi bẩn và phun nước rửa đường tại các tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán.
Chỉ thị sẽ hướng dẫn, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Các địa phương tăng cường xử lý nghiêm các điểm nóng ô nhiễm không khí do bụi và khí thải phát sinh trên địa bàn; đồng thời xây dựng, triển khai ngay kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh hạn chế, không sử dụng than, bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới cấm sử dụng than tổ ong làm nguyên liệu đốt. Hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt; xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ dài hạn về kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai và hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.