Đồng Nai: Tổng kiểm tra bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Đã sẵn sàng để kiểm tra
Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và 22.298 cơ sở chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ. Về pháp lý, có 257/257 cơ sở quy mô lớn được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; 313/1.200 cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện được cấp thủ tục về môi trường nên việc kiểm tra, rà soát và có đánh giá cụ thể về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là vấn đề rất cấp thiết.
Thực hiện triển khai kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã làm việc với các huyện, thành phố để triển khai kế hoạch. Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, đây là đợt kiểm tra quy mô lớn nhất từ trước đến nay, các địa phương phải nhanh chóng ban hành kế hoạch, thành lập đoàn, bố trí kinh phí và tổ chức đi kiểm tra.
kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi đang là vấn đề cấp thiết. |
Theo phân cấp, Sở TN-MT chủ trì kiểm tra các trang trại chăn nuôi lớn do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phòng TN-MT chủ trì kiểm tra trang trại do huyện cấp giấy phép môi trường. UBND cấp xã kiểm tra cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.
Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch và gửi đến các cơ sở chăn nuôi. Kế hoạch nêu rõ nội dung kiểm tra gồm: Việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước, lấy mẫu chất thải, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nước thải… Trong tháng 4 này, huyện đi kiểm tra các trang trại do huyện quản lý. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với tỉnh kiểm tra các trang trại trên địa bàn do tỉnh quản lý.
Còn tại TP.Long Khánh, Trưởng phòng TN-MT thành phố Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch, thành lập đoàn và dự kiến đầu tháng 5-2023 sẽ bắt đầu kiểm tra. Ngoài nội dung môi trường, thành phố sẽ kiểm tra thêm quy hoạch, đất đai, xây dựng vì hiện tại TP.Long Khánh đã là đô thị loại III, mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên đô thị loại II.
Hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra. Các địa phương có ít cơ sở chăn nuôi thuộc diện kiểm tra sẽ thực hiện trong thời gian từ nay đến ngày 15-7. Địa phương có nhiều cơ sở có thể xây dựng lộ trình dài hơn, ưu tiên kiểm tra ở các cơ sở có nguy cơ, đã từng vi phạm về môi trường.
Tạo dựng không gian sống trong lành
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh có “quyết sách” lớn đối với ngành chăn nuôi. Đó là tổng kiểm tra môi trường gần 10 ngàn cơ sở và di dời hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép.
Chia sẻ về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Đồng Nai không cấm chăn nuôi nhưng chăn nuôi phải đúng quy hoạch và đáp ứng về bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị kiểm tra tất cả các cơ sở chăn nuôi, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần tạo dựng không gian sống trong lành.
Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (Sở NN-PTNT) Nguyễn Thị Thanh Mai thông tin, hiện một số huyện như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất phát triển chăn nuôi đã vượt mật độ cho phép, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh cũng như môi trường.
Quá trình kiểm tra, địa phương cần lưu ý điều kiện vị trí chuồng trại phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm mật độ chăn nuôi. Ngoài ra, khi đi kiểm tra cũng hướng dẫn chủ cơ sở đăng ký, xử lý để tái sử dụng nước thải tưới cây để tiết kiệm nước và chi phí, từng bước áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hiện một số địa phương vẫn băn khoăn các nội dung kiểm tra, đặc biệt đối với các cơ sở chăn nuôi heo nông hộ, chưa có giấy phép môi trường.
Nước thải chăn nuôi nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ là nguồn gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. |
Phó trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên cho rằng, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ trên địa bàn chiếm đến 95%. Phần lớn các cơ sở này hình thành từ lâu, không giấy phép, không đầu tư hoặc có đầu tư nhưng hệ thống xử lý chất thải sơ sài. Nếu áp theo quy định phải ngừng chăn nuôi, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Bà Viên kiến nghị, cần có cơ chế để tạo điều kiện cấp thủ tục môi trường cho cơ sở chăn nuôi dưới 100 con nếu đảm bảo khoảng cách với nhà ở, đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
Chăn nuôi là sinh kế của người dân, nhưng môi trường là của toàn xã hội. Chăn nuôi không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường; chăn nuôi trong đô thị, khu đông dân cư, gần nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng và nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển xanh của tỉnh.