Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái

17/05/2022 13:33 Địa phương
Theo Kế hoạch số 63/KH-TU của Tỉnh ủy Yên Bái, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Theo đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản; xử lý nước thải, chất thải. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TƯ ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên một cách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Coi trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản; ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường đối với các dự án.

Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái
Trong những năm qua, đã có nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực được triển khai rộng rãi ở các địa bàn thuộc tỉnh Yên Bái.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Không cấp phép mới, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ cao hoặc gây ô nhiễm môi trường làm ảnh đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến hết năm 2022, xử lý trên 50% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng so với năm 2020 và kiên quyết không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

Từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý nước sạch, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân. Năm 2022, phấn đấu 88% dân số đô thị được cung cấp nước sạch; 93% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh; 88,8% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; 33,7% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý.

Cùng với đó tập trung bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng cảnh quan làng xóm, thôn bản xanh, sạch, nâng cao điều kiện sống của người dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; phấn đấu trồng mới 15.500 ha rừng các loại, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%; trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn khoảng 11.000 ha, diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS) và quế hữu cơ khoảng trên 23.400 ha.

Tiếp tục hưởng ứng và thực hiện hiệu quả Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Phát động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia phong trào bảo vệ, trồng cây xanh; xây dựng mô hình cơ quan, đơn vị, phòng làm việc xanh; gia đình xanh...

Tổ chức thực hiện hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”; trồng và chăm sóc đường hoa, xây dựng tuyến đường "Thắp sáng đường quê”; tuyên truyền vệ sinh môi trường; nâng cấp, sửa chữa, làm mới các đường bê tông liên thôn, bản; thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình tự quản, tổ hợp tác ở thôn, bản, tổ dân phố nhằm góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống những giải pháp bài bản để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như lũ quét, lũ ống sạt lở đất trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tuyên truyền, vận động sắp xếp ổn định dân cư, di dời, bố trí các hộ dân đang cư trú tại các vùng xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao do tác động của biến đổi khí hậu đến nơi an toàn.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động