100% đơn vị thuộc EVN xây dựng và triển khai Đề án tiêu thụ tro xỉ, thạch cao

15/04/2020 08:19 Quản lý nguồn thải
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý vận hành 12 nhà máy nhiệt điện than. Năm 2020, do tình hình thủy văn nhiều khó khăn, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được huy động vận hành tới hơn 7.000 giờ/năm. Do đó, cần thiết có các giải pháp hữu hiệu để nâng cao tính sẵn sàng, độ khả dụng của thiết bị, tổ máy nhiệt điện, đồng thời gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.
Tro xỉ và sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than

Tại Hội thảo Kinh nghiệm vận hành nhà máy nhiệt điện than, các đại biểu đã tập trung trao đổi về vấn đề nâng cao độ tin cậy thiết bị và quy trình xử lý các sản phẩm phụ trong nhà máy nhiệt điện than. Ông Tạ Tuấn Anh, Phó Ban Kỹ thuật – Sản xuất EVN cho biết, hiện nay, trong Tập đoàn, 100% các nhà máy/công ty nhiệt điện đã xây dựng và triển khai Đề án tiêu thụ tro xỉ, thạch cao theo mẫu Đề án của Tập đoàn ban hành. Các nhà máy/công ty nhiệt điện trong Tập đoàn cũng đã kí hợp đồng tiêu thụ tro xỉ, thạch cao ngắn hạn, dài hạn với các đối tác.

Các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý tro bay các nhà máy nhiệt điện như: Tiêu chuẩn đánh giá và phân loại tro bay; quy trình lưu trữ, vận tải, xử lý; ứng dụng tro bay trong sản xuất xi măng, thạch cao nhân tạo,... đồng thời, trao đổi các giải pháp tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng thiết bị trong nhà máy nhiệt điện.

100 don vi thuoc evn xay dung va trien khai de an tieu thu tro xi thach cao

Tro bay được sử dụng làm vật liệu kè đường, cống

Tro từ các nhà máy nhiệt điện có thể ứng dụng để sản xuất xi măng hoặc phụ gia bê tông; làm vật liệu san lấp, kè đường; làm vật liệu kiến trúc hay sản xuất vật liệu hỗn hợp từ tro bay.

Sản xuất xi măng/phụ gia bê tông: Tro bay được sử dụng thay thế đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Khi tác dụng với nước, tro bay phản ứng với hydroxit canxi được giải phóng từ phản ứng hóa học giữa xi măng và nước, tạo thành sản phẩm kết dính, góp phần nâng cao chất lượng bê tông. Trong số 67,3% tro bay được sử dụng để sản xuất xi măng năm 2011, có 1,6% được sử dụng làm xi măng phối liệu hoặc phụ gia bê tông.

Làm vật liệu san lấp, kè đường: Tro đáy thường nhẹ hơn cát, không thấm nước, hút không khí và giữ nước cao. Tro đáy được sử dụng làm kè đường vì rất nhẹ, làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đối với tro bay, để tăng độ bền và khả năng chịu lực, cần bổ sung các chất kết dính hóa học như vôi và xi măng. Hỗn hợp này có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, kè đường, nền đường, cải tạo mặt bằng và lấp hố chứa bùn.

Làm vật liệu kiến trúc: Tro từ các nhà máy nhiệt điện than có độ cách nhiệt cao, cách âm tốt và không cháy. Tận dụng những đặc tính này, tro bay đáy được sử dụng làm vách ngăn và vật liệu cách âm.

Sản xuất vật liệu hỗn hợp từ tro bay:

+ Vật liệu nghiền: Trộn tro bay với nước, xi măng, thạch cao, hỗn hợp này được nén chặt và trở nên khô cứng. Sau đó hỗn hợp được nghiền nhỏ dưới dạng bột, có tác dụng chống sụt lún đất...

+ Vật liệu hạt: Trộn tro bay với nước và xi măng, vật liệu hỗn hợp này có dạng hạt, có thể thay thế cốt liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng khan hiếm, góp phần bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

+ Bùn tro bay: Vật liệu này được tạo ra bằng cách thêm xi măng vào tro bay, bổ sung nước, tạo thành hỗn hợp bùn. Độ lỏng của bùn là rất cao và được kết dính từ từ, có thể dùng để lấp đầy những nơi khó đầm lèn...

Nhiều nghiên cứu về tác động môi trường của tro bay đều xác nhận, nếu được kiểm soát hợp lý, sẽ hoàn toàn khắc phục được vấn đề môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng vật liệu hỗn hợp tro bay là một giải pháp hiệu quả giải quyết việc thiếu đất san nền tại khu vực Đông bắc Nhật Bản, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của động đất và sóng thần.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động