23 địa phương chỉ có duy nhất đội chữa cháy đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 13/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Thực hiện hình thức, đối phó
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy: Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỉ đồng và 6.462 ha rừng. Địa bàn xảy cháy chủ yếu là khu vực thành thị khi chiếm 60,11% và có tới 5.636 số vụ cháy là tại nhà dân, chiếm 42,86%.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 6.458 vụ, chiếm 57,27%; do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ, chiếm 29,18%. Cháy lớn dù chỉ có 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, song hỏa hoạn từ các vụ cháy này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỉ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.
Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như vậy, song theo Chính phủ, đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Nổi lên là nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế.
Tại nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... nhiều khu dân cư tập trung nằm trong ngõ, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nhiều đô thị thường xuyên xảy ra ùn, tắc, khi có cháy xảy ra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy rất khó di chuyển kịp thời đến địa điểm cháy.
Nhiều nơi như Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Phòng… hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, các khu công nghiệp chưa bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chưa bảo đảm số lượng trụ nước cũng như khoảng cách giữa các trụ và áp lực cung cấp nước để thực hiện chữa cháy. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông, ngòi có thể sử dụng chữa cháy ngày càng cạn kiệt do bị san lấp, xây dựng công trình che chắn mất lối vào lấy nước, hoặc chưa xây dựng các bến lấy nước cho xe chữa cháy, nhiều khu vực không có nguồn nước chữa cháy.
Báo cáo cũng cảnh báo, những năm qua, một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Đáng lo ngại, có vụ cháy xảy ra sau 30 phút mới báo cháy cho lực lượng chức năng; hơn 80% số vụ cháy lớn có thời gian cháy tự do trên 10 phút nên đã tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn, gây khó khăn cho các hoạt động chữa cháy như vụ cháy ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tuấn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/8/2017, báo cháy chậm 42 phút; vụ cháy ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rồng Hoa Thái, Tiền Giang, ngày 6/1/2018, báo cháy chậm 48 phút...
Chưa đáp ứng được yêu cầu
Ông Võ Trọng Việt cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất với Báo cáo của Chính phủ đánh giá hiện nay mạng lưới đội ngũ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí trên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Diện tích bảo vệ trung bình của từng đội chữa cháy hiện nay rất lớn; nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có đội chữa cháy. 23 địa phương chỉ có duy nhất một đội chữa cháy đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm km; số cán bộ làm công tác phòng ngừa đang bị quá tải về công việc, tại một số thành phố lớn, một cán bộ phụ trách quản lý trung bình 150 cơ sở, 6 quận, huyện và từ 5 đến 10 khu dân cư, trong khi quy định chỉ tối đa không quá 100 cơ sở.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu sáng 13/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
“Tính chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa cao do điều kiện đầu tư cho các trung tâm huấn luyện lực lượng này còn thấp và thiếu; số cán bộ trực tiếp chữa cháy chủ yếu là chiến sĩ nghĩa vụ, sau 3 năm có kỹ năng, chiến thuật tốt thì lại ra quân. Tình trạng thiếu người điều khiển phương tiện chữa cháy tại các địa phương là khá phổ biến do chủ trương hiện nay không tăng biên chế; chế độ lái xe, lái tàu chữa cháy mặc dù đã được quan tâm nhưng còn thấp, chưa tương xứng so với yêu cầu nhiệm vụ”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Số lượng phương tiện được trang bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được xác định chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tới gần 30% số xe chữa cháy hiện nay đã sử dụng lâu, trên 20 năm; số lượng xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 23,5%. Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Ngoài ra, các phương tiện chữa cháy đặc chủng như chữa cháy xăng dầu, hóa chất, chữa cháy khu công nghiệp quy mô lớn, xe cứu nạn, cứu hộ công trình ngầm... còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại các cơ sở đặc thù này; nhiều địa phương có cảng biển, bến tàu thủy, tập trung nhiều tàu thuyền, kho bãi nhưng hầu hết chưa có tàu thủy chữa cháy.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nói trên, theo ông Võ Trọng Việt, là có nhiều. Trong đó, đáng chú ý là nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác phòng cháy chữa cháy “hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy”.
Quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước, trụ nước, bể dự trữ nước phục vụ công tác chữa cháy và trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, đặc chủng dùng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn còn thiếu so với yêu cầu; công tác duy tu, bảo dưỡng còn nhiều bất cập. Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răn đe, nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm.
Nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chiến lược phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại... có nguy cơ cháy, nổ cao.
Chính phủ tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy đối với những công trình, hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người; kinh doanh xăng dầu, khí đốt; bảo vệ và phát triển rừng.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có đề án, công trình mới mà chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy; có lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình đưa vào sử dụng khi chưa có thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, xử lý các công trình, khu chung cư cao tầng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời với việc xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm.
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công an chủ trì tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ; lập danh sách các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy lớn để tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn phù hợp với từng loại hình cơ sở, địa bàn; chú trọng xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, đề nghị thực hiện kiểm định về phòng cháy, chữa cháy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường các phương tiện nhập khẩu, sản xuất trong nước thay vì kiểm định lưu thông như hiện nay, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với các địa phương, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, thi công các công trình xây dựng tại địa phương; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, cấp phép hoạt động đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.