Ảnh hưởng khôn lường do thuốc lá điện tử gây ra

03/10/2024 09:00 Tác động môi trường
Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi là điều đáng báo động khi loại hình thuốc lá này đang có rất nhiều cách thức thu hút nhắm thẳng vào giới trẻ.
Ảnh hưởng khôn lường do thuốc lá điện tử gây ra

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở người trẻ đang gia tăng. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành ở nước ta cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023). Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, nước ta ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đáng chú ý, trong số này, có 27 trường hợp nhập viện dưới 16 tuổi, 44 trường hợp trong nhóm 16-18 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều người đang hiểu lầm hoặc bỏ qua những rủi ro khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, BS.CKII Huỳnh Thị Mai Ly, bác sĩ Nội Hô hấp - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) cho biết, hiện nay, nhiều người cho rằng sử dụng thuốc lá điện tử sẽ giảm bớt ảnh hưởng đến sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Nhưng đây là một sự nhầm tưởng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá điện tử cũng ảnh hưởng và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là vấn đề hô hấp và tim mạch, có khả năng phát triển thành ung thư đối với người sử dụng chủ động và bị động trong thời gian dài.

Theo bác sĩ Mai Ly, thuốc lá điện tử có tác hại đến hệ hô hấp. Theo đó, nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử có tác động xấu, làm giảm chức năng phổi tăng sức cản hô hấp. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp. Đồng thời có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các chứng rối loạn hô hấp như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Ngoài ra, thuốc lá điện tử có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, liên quan đến việc tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ.

Đặc biệt, theo bác sĩ, các chất trong khói thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương DNA và gây ra ung thư, đặc biệt là nguy cơ ung thư phổi sau khi sử dụng trong thời gian dài. Một số bằng chứng còn cho thấy hút thuốc lá điện tử có thể làm tăng khả năng kháng hóa trị trong điều trị ung thư.

Nguy cơ ngộ độc nicotine khi hút thuốc lá điện tử

Theo các bác sĩ, khi sử dụng thuốc lá và đặc biệt là thuốc lá điện tử, người hút thuốc có khả năng đối mặt với nguy cơ ngộ độc nicotine do dung nạp quá nhiều loại chất này vào cơ thể. Các trường hợp ngộ độc nicotine đang ngày càng gia tăng theo nhiều báo cáo y khoa do tần suất và tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng cao.

Khi gặp trường hợp người hút thuốc bị ngộ độc nicotin, theo bác sĩ, cần nhận biết mức độ người bị ngộ độc qua biểu hiện.

Mức độ 1: người bị ngộ độc nicotine có dấu hiệu choáng, nôn ói, rối loạn nhịp tim, rối loạn hành vi và ngôn ngữ. Lời khuyên từ bác sĩ là luôn giữ người bệnh ở tình trạng tỉnh táo và nhanh chóng gọi nhân viên y tế có chuyên môn để đưa người bệnh vào cấp cứu.

Mức độ 2: người bị ngộ độc nicotine ở trạng thái hôn mê, nhưng vẫn còn dấu hiệu hơi thở. Ở tình trạng này, cần đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh ngạt thở đường hô hấp trên và gọi nhân viên y tế để người bị ngộ độc được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Mức độ 3: người bị ngộ độc nicotine hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn. Ở tình trạng này, người bị ngộ độc cần được hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức bởi những người hoặc nhân viên y tế đã được đào tạo cấp cứu bài bản, và cần đưa người bị ngộ độc vào cấp cứu sớm nhất có thể.

BS Trương Hoài Sơn, Khoa Hồi sức tích cực - Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn khuyến cáo, khi gặp trường hợp bị ngộ độc nicotine do hút thuốc lá - dù ở bất cứ mức độ nào, cũng nên gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế có chuyên môn và đưa người bị ngộ độc vào cấp cứu để được kiểm tra, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

pv
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động